Vượt `sóng lớn` xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2020 `về đích` thu 41,2 tỷ USD

16:48 | 24/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bất chấp khó khăn do dịch COVID-19 gây nhiều tác động cả trong nước và trên thế giới, xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn tăng trưởng và về đích như dự báo trước đó thu hơn 41,2 tỷ USD.
Bộ NN-PTNT cho biết, năm 2020, ngành nông nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động trực tiếp tới sản xuất, hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.
 

Khó khăn "kép" của ngành nông nghiệp trong năm 2020

 

Rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật là một trong những khó khăn điển hình mà nông sản Việt phải đổi mặt trong quá trình xuất khẩu. Ở góc độ này, đại diện Bộ NN&PTNT cho hay, trong năm 2020, toàn ngành đã tích cực giải quyết vướng mắc rào cản kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật và thực vật với các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Thái Lan, Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, EU, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
 
Phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, tham mưu Chính phủ các nội dung liên quan mặt hàng gạo và xuất khẩu gạo; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sữa, thúc đẩy để mặt hàng tổ yến, thạch đen được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; xử lý hài hòa để tránh các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ về vấn đề nhập siêu và duy trì tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường này…
 
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2020 thu về 41,2 tỷ USD
Đối với ngành xuất khẩu nông nghiệp năm 2020 là một năm thành công rực rỡ
 
Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn phải đương đầu với tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL, hạn hán một số nơi ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và ĐBSCL… Trên thực tế nửa đầu năm xuất khẩu không ít các mặt hàng nông sản tỷ USD đã ghi nhận sự sụt giảm không nhỏ, đặt ra lo ngại chất chồng về chặng đường về đích khó khăn cho cả năm.
 
Trước khó khăn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường từng nhận định, ngành nông nghiệp vốn đã nỗ lực, nay phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là biến "nguy" thành "cơ"; linh hoạt phát huy lợi thế để vừa chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất, vừa phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là khi dịch bênh Covid-19 được khống chế.
 
Nhờ đó, năm 2020, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,65%; trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm.
 
Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD lần lượt là gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả hạt điều và gạo.
 
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2020 thu về 41,2 tỷ USD
Nông, lâm, thủy sản cán đích 41,2 Tỷ USD 
 
Qua đó thấy rằng, những “trái ngọt” cuối năm không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả cả quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn hệ thống.

Bên cạnh những thắng lợi thu về, hạn chế, tồn tại là điều không thể tránh khỏi. Có thể điểm qua như, quá trình phát triển vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Cùng với đó, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, tuy đã có rất nhiều kết quả, cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu cao của thực tiễn, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh; tổn thất sau thu hoạch còn cao...

 

Mục tiêu năm 2021 sẽ "phủ rộng nông sản Việt" trên trường quốc tế

 

Năm 2021, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,7-3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên 2,8-3,1%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD.
 
Riêng đối với thị trường quốc tế sẽ nỗ lực tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực,.
 
Duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc; mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU, Trung Đông, Argentina; lựa chọn đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN...
 
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2020 thu về 41,2 tỷ USD

Để đạt được mục tiêu đề ra, toàn ngành phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa của từng vùng miền.
 
Đồng thời, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
 
Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương có các vùng nguyên liệu tương đồng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam. Kết nối nông nghiệp với công nghệ bảo quản, công nghiệp chế biến và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu.
 
Bên cạnh đó, cần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn ngành.
 
Nguyễn Dung