Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh

17:13 | 18/06/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam trong những năm gần đây, nhất là năm 2018, được Chính phủ và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, các tố chức dịch vụ trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam gần như chưa được quan tâm xây dựng.

Theo số liệu được đưa ra tại Diễn đàn Đổi mới và hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam: Phát triển doanh nghiệp, hiện Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, con số thực tế có thể còn cao hơn. Bên cạnh đó, có hơn 40 quỹ đầu tư có hoạt động đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam, các quỹ đầu tư này đều từ nước ngoài, hoặc là nguồn tiền từ nước ngoài mang vào Việt Nam, hoặc là nguồn tiền trong nước nhưng đăng ký từ nước ngoài. Tuy nhiên, hiện đã có một số quỹ mới của Việt Nam như: Vingroup, Viettel, FPT. Chỉ tính riêng trong năm 2018 có 92 thương vụ với tổng giá trị 889 triệu USD được các quỹ đầu tư rót vốn. Số lượng thương vụ không tăng so với năm 2017 nhưng tổng số vốn đầu tư tăng gấp 3 lần do tỉ lệ thoái vốn giai đoạn sau rất cao.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam hiện có khoảng 40 cơ sở ươm tạo và 12 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Không chỉ tập trung ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần  Thơ…một số tỉnh bước đầu triển khai tốt như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Nghệ An, Hải Phòng, Vũng  Tàu.

Từ những thuận lợi đó, Việt Nam dần từng bước đã có nhiều startup tên tuổi được  khẳng định, như VNG (startup Việt Nam đầu tiên được định  giá trên 1 tỷ USD), một số doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử nhận được các khoản đầu tư  lớn từ vài chục tới hàng trăm triệu đô-la Mỹ như vatgia, Tiki,  Sendo, Momo…
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh - ảnh 1
 Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh. 

Đánh giá về cơ hội cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết: Năm 2016 được coi là bước tạo đà cho các Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST với Đề án 844 (Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khới nghiệp ĐMST đến năm 2025) được thông qua. Từ đó đến nay, một loạt chương trình hỗ trợ đã được phê duyệt như: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939); Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp” (Đề án 1665); Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF); Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF).

Mới đây, Công văn 1128/TTg-ĐMDN 2018 về thu hút đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước đã tạo ra cơ hội khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư; tăng cường kết nối kiều bào, tri thức Việt Nam ở nước ngoài với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước và các Hub đầu tư lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, để hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa, ông Quất cho rằng: Chính phủ cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và đầu  tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Ví dụ như cơ chế ưu đãi thuế, xây dựng các mô hình thu hút  đầu tư mới như sàn gọi vốn cộng đồng, nền tảng giao dịch cổ phần cho khởi nghiệp, đơn giản hóa thủ tục đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đồng thời, tập trung xây dựng một số hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực cụ thể. Tăng cường phát triển các mô hình mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong  nước (mạng lưới nhà đầu tư, mạng lưới chuyên gia, mạng lưới du học sinh, nhà đầu  tư, doanh nhân người Việt tại nước ngoài…). Thu hút nguồn lực đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực trong và ngoài nước để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh - ảnh 2
 Hệ thống nông nghiệp thông minh APPA N1 của APPA Group.
Những điều kiện để phát triển khởi nghệp đổi mới sáng tạo thuận lợi là như vậy, nhưng theo ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Tự động hóa Việt Nam, hiện các tổ chức dịch vụ trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam gần như chưa được quan tâm xây dựng. Do đó, Nhà nước cần đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực chất lượng cao cho một số đơn vị dịch vụ công có uy tín, được thừa nhận quốc tế, có thể làm chức năng giám định tối cao cho các tổ chức dịch vụ khác khi có tranh chấp.
Đồng thời, có chính sách ưu đãi khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng các đơn vị dịch vụ tốt (đất đai, thuế, phí). Cần sớm xây dựng và đưa vào hoạt động các sàn giao dịch công nghệ tại các thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh) có liên thông với các sàn giao dịch công nghệ lớn trong khu vực và quốc tế. Có chương trình đào tạo, huấn luyện, cấp chứng chỉ hành nghề đối với kỹ thuật viên, chuyên gia cho các đơn vị dịch vụ, nhất là chuyên gia giám định, định giá công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, chất lượng...
Bên cạnh đó, để phát triển được doanh nghiệp khởi nghiệp, theo ông Quân: Cần có chính sách phù hợp khuyến khích các viện nghiên cứu, trường đại học thương mại hóa kết quả nghiên cứu và tạo nguồn doanh nghiệp khởi nghiệp cho thị trường, nhận đặt hàng từ các doanh nghiệp công nghiệp,
Ưu tiên sử dụng quỹ đầu tư mạo hiểm có nguồn vốn ngân sách cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vì các quỹ tư nhân thường không đầu tư cho giai đoạn gọi vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra, các trường đại học lớn cần thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp, huy động đầu tư từ các nhà đầu tư là cựu sinh viên, cựu cán bộ của trường. Đồng thời, mời gọi các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư cho start-up của sinh viên.