Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro thị trường tài chính

Nguyễn Thảo/ TTXVN 17:28 | 16/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 16/12, tại Vĩnh Phúc, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phối hợp với cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức hội thảo về “Cảnh báo sớm rủi ro thị trường tài chính”.

Tại hội thảo, ông Dương Hồng Hà, Phó Trưởng ban Ban giám sát tổng hợp - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chỉ ra rằng, hiện nay thị trường tài chính Việt Nam ở 3 khu vực chính là ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm đều có phát triển nhanh chóng, tương đối đầy đủ.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số vấn đề như tỷ lệ tín dụng/GDP ở nước ta cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Tín dụng tập trung đáng kể vào lĩnh vực bất động sản. Nợ xấu và tài sản xấu còn tồn đọng tại một số tổ chức tín dụng trong giai đoạn tái cơ cấu trước. Một số ngân hàng thương mại tái cơ cấu chưa thành công. Thị trường mua bán nợ chưa phát triển.

Trong lĩnh vực chứng khoán quy mô thị trường trái phiếu nhỏ so với thị trường cổ phiếu; phát hành trái phiếu doanh nghiệp 95% thông qua hình thức riêng lẻ; ngành tài chính – bất động sản – xây dựng chiếm gần 70% vốn hóa và thanh khoản thị trường cổ phiếu và vốn huy động từ cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp.

Mức độ biến động của chỉ số chứng khoán lớn. Nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 80% giao dịch cổ phiếu. Dòng tiền và số lượng nhà đầu tư mới tăng nhanh trong khi số lượng hàng hóa mới chưa nhiều.

Số lượng công ty chứng khoán còn lớn so với quy mô thị trường. Quy mô, mức độ thâm nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam còn thấp (tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP năm 2021: 2,5 %; trung bình khối ASEAN là 3,35%).

Bên cạnh đó, chưa có cơ sở dữ liệu chung toàn ngành, thiếu minh bạch thông tin trên thị trường do các doanh nghiệp bảo hiểm chưa tuân thủ các quy định về công bố thông tin.

Theo ông Dương Hồng Hà, lĩnh vực ngân hàng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém. Chuyển dần sang sử dụng công cụ gián tiếp, dỡ bỏ dần biện pháp hành chính về lãi suất; tăng tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và khả năng dự báo chính sách; xây dựng khuôn khổ pháp lý hoạt động mua bán nợ để tăng cường xử lý nợ xấu.

Cùng đó, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro, cơ chế xử lý khủng hoảng hệ thống và xử lý các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro cao; tăng cường niêm yết các doanh nghiệp chứng khoán quy mô lớn; sửa đổi quy định tạo thuận lợi cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng; đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động; rút ngắn chu kỳ thanh toán cổ phiếu về T+2.

Ông Hà cũng cho rằng, cần có lộ trình cổ phần hóa Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam; tăng cường quy định công bố thông tin, mức xử phạt vi phạm đối với cổ đông nội bộ, cổ đông lớn.

Để kiểm tra sức chịu đựng của các ngân hàng Việt Nam hiện nay, ông Lê Trung Kiên, Phó Cục Trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết cần phải ban hành Sổ tay giám sát ngân hàng (thay thế Sổ tay giám sát ngân hàng 2017); trong đó, có hướng dẫn về việc thực hiện kiểm tra sức chịu đựng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện mô hình kiểm tra sức chịu đựng tại ngân hàng nhà nước; xây dựng các kịch bản kiểm tra sức chịu đựng tại Ngân hành Nhà nước. Cùng đó, xây dựng báo cáo giám sát an toàn vĩ mô đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trong đó, có nội dung về kiểm tra sức chịu đựng theo quy định  Thông tư 08/2022/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.

Theo TS. Phùng Thế Đông, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, các dấu hiệu cảnh báo khủng hoảng tiền tệ tại Việt Nam chủ yếu là khủng hoảng nợ, tín dụng tăng trưởng nóng, lạm phát tăng, lãi suất thực cao và giá dầu thế giới, suy giảm Tổng phương tiện thanh toán (M2)/dự trữ ngoại hối và xuất khẩu giảm. Ngoài ra, khả năng dự báo của mô hình là khá cao ở mức trên 95%.

TS. Phùng Thế Đông cũng đưa ra một số giải pháp như các nhà hoạch định chính sách cần phải chủ động và linh hoạt trong việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý một cách hợp lý, tránh gây cú sốc đến tâm lý người tiêu dùng; tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bền vững về cả số lượng và chất lượng. Cùng với đó, có chính sách kiểm soát cung tiền M2; đảm bảo dự trữ ngoại hối.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần đẩy mạnh giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô. Để giảm xác suất xảy ra khủng hoảng tài chính cũng như hạn chế tối đa tác động tiêu cực, cần có chính sách hợp lý để kiểm soát cung tiền, lạm phát, lãi suất và tỷ giá; đảm bảo tăng trưởng huy động hợp lý từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (WB), hệ thống tài chính Việt Nam rất năng động và tăng trưởng mạnh. Các nhóm tài chính đang hoạt động sôi nổi tại Việt Nam, gia tăng xu hướng đa dạng hóa nguồn lợi nhuận qua các nguồn thay thế, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Các nhóm tài chính có tầm trọng yếu, liên kết với nhau và quan trọng về mặt hệ thống, phù hợp với sự ổn định tài chính. Các nhóm tài chính đang mở rộng ra nước ngoài ở nhiều khu vực pháp lý. Nhóm tài chính mở rộng sang các hoạt động phi truyền thống. Do đó, hiện nay cần có sự giám sát nhóm hợp nhất hiệu quả vì sự an toàn và tính lành mạnh của hệ thống tài chính, cần có sự giám sát để đối phó với rủi ro ổn định tài chính.

Trong tương lai, có nhiều cơ hội để củng cố hơn nữa khung pháp lý của Việt Nam đối với các nhóm tài chính. Mặc dù tất cả các quốc gia trong khu vực đã áp dụng khuôn khổ giám sát nhóm, nhưng tốc độ và mức độ mà họ áp dụng các khuôn khổ đó khác nhau. Tuy nhiên, xu hướng là hướng tới việc áp dụng các khuôn khổ pháp lý và quy định cho phép các cơ quan giám sát thực hiện hiệu quả hơn các chức năng của họ thông qua sự hiểu biết rõ ràng về cấu trúc nhóm và cơ sở dựa trên rủi ro.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra các nghiên cứu thực trạng về giám sát tập đoàn tại chính Việt Nam; tập đoàn tài chính và rủi ro đối với ổn định tài chính; đánh giá tác động của các yếu tố vĩ mô đến thị trường chứng khoán Việt Nam; các yếu tố tác động đến cầu tiền ở Việt Nam…