Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Căn cứ nào đề nghị đổi tội danh cho 3 bị cáo

15:02 | 16/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Về xét xử vụ án vụ Gang thép Thái Nguyên, nhiều luật sư nêu quan điểm các bị cáo không cố ý thực hiện hành vi sai phạm, đồng thời đề nghị tòa đánh giá hành vi phạm tội và xem xét đổi tội danh cho 3 bị cáo.

Cựu Chủ tịch VNS không cố ý phạm tội

 
Sáng 16/4 tiếp tục diễn ra phần tranh luận trong phiên tòa xét xử 19 bị cáo vụ sai phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Tại phiên xét xử này, nhiều luật sư đã đề nghị Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá hành vi phạm tội và xem xét đổi tội danh đối với các bị cáo từ tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cụ thể, luật sư Trương Anh Tú bào chữa cho bị cáo Mai Văn Tinh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNS) cho rằng việc quyết định cho dừng dự án khi nhà thầu MCC (Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc) vi phạm hợp đồng đã vượt quá thẩm quyền của thân chủ mình.
 
Diễn biến xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên ngày 16/4
Bị cáo Mai Văn Tinh

Theo luật sư, thực tế, VNS và TISCO chỉ là người thực hành, còn chỉ đạo dự án là cấp trên của 2 đơn vị này.
 
Về cáo buộc bị cáo Mai Văn Tinh ký nhiều văn bản đề xuất Bộ Công Thương và Chính phủ để tiếp tục triển khai dự án bất chấp sai phạm của nhà thầu MCC, luật dư cho rằng thân chủ không cố ý. Bởi lẽ các văn bản đó thực chất là ý tưởng của cấp trên, ông Tinh và đồng phạm tại VNS chỉ mang tính bổ sung hồ sơ theo đúng quy trình.
 
Về cáo buộc bị cáo Mai Văn Tinh giới thiệu Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) thiếu năng lực để đơn vị này trở thành nhà thầu phụ thi công phần C của hợp đồng EPC số 01#, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ, dừng thi công và gây thiệt hại, luật sư lập luận việc Bộ Công Thương giới thiệu VINAINCON cho TISCO là căn cứ vào những kinh nghiệm thi công tại nhiều công trình lớn mà đơn vị này đã thực hiện trước đó.

Ở phiên tòa trước, VKS đề nghị phạt cựu Chủ tịch VNS 6-7 năm tù do gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước. Ông Tinh thừa nhận, có một phần trách nhiệm khiến dự án ở TISCO gây ra hậu quả thiệt hại tài sản cho Nhà nước.
 
"Tôi xin nhận trách nhiệm đó và thi hành hình phạt do tòa án quyết định", ông Tinh trình bày. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng VKS đề nghị mức án 6-7 năm tù dành cho bị cáo là hơi nặng.
 
Theo cáo trạng, bị cáo Mai Văn Tinh là người thực hiện hành vi phạm tội tích cực. Bị cáo phải có trách nhiệm xem xét phê duyệt và chỉ đạo TISCO thực hiện Dự án đúng quy định, đảm bảo có hiệu quả. Bị cáo biết không có căn cứ để điều chỉnh Hợp đồng, việc chọn nhà thầu phụ là trách nhiệm của MCC nên khi được TISCO báo cáo việc MCC vi phạm hợp đồng thì bị cáo phải có trách nhiệm chỉ đạo xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, xem xét để hủy đấu thầu, tổ chức đấu thầu lại theo quy định, để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của dự án.
 

Các bị cáo không có dấu hiệu đồng phạm?


Tương tự, luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho bị cáo Đặng Thúc Kháng (nguyên Trưởng ban Ban Kiểm soát VNS) cũng đề nghị đổi tội danh cho thân chủ của mình.

Luật sư cho rằng, các bị cáo không có dấu hiệu đồng phạm trong vụ án này. Các bị cáo chỉ quyết tâm thực hiện dự án theo chủ trương của cấp trên.

Một số luật sư cho rằng các bị cáo không cố ý thực hiện hành vi sai phạm, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử đánh giá hành vi phạm tội và xem xét đổi tội danh đối với các bị cáo từ tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, bị cáo Đặng Thúc Kháng có vai trò là người thực hành, đã cho ý kiến nhất trí, ký kiểm soát một số văn bản, tờ trình của VNS để Chủ tịch Hội đồng quản trị VNS ký đề nghị Chính phủ chấp thuận chọn VINAINCON làm nhà thầu phụ được thực hiện phần C dưới hình thức hợp đồng theo đơn giá, điều chỉnh chi phí phần C.
 
Diễn biến xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên ngày 16/4
Bị cáo Đặng Thúc Kháng 
 
Luật sư Nguyễn Thị Thu (bào chữa cho bị cáo Đậu Văn Hùng, nguyên thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VNS) cũng lập luận thân chủ của mình và các bị cáo không có dấu hiệu đồng phạm trong việc ký các văn bản đề nghị được tăng chi phí phần C của hợp đồng EPC số 01#.

Luật sư lập luận các điều kiện để được điều chỉnh giá trị của hợp đồng EPC số 01# là những thay đổi về chính sách tiền lương của Nhà nước, giá nguyên vật liệu và tỷ giá hối đoái có biến động lớn.
Thời điểm bị cáo Đậu Văn Hùng ký các tờ trình xin điều chỉnh chi phí phần C thì tiền lương tăng 20% so với năm 2007, giá nhiều loại vật tư trên thị trường thé giới tăng đột biến và tỷ giá USD tăng hơn 5%. Luật sư Nguyễn Thị Thu cũng cho rằng việc xin điều chỉnh chi phí đã được TISCO và VNS xin ý kiến, các bộ, ngành đã đề xuất và Chính phủ đã đồng ý.

Luật sư cũng cho rằng nguyên nhân khiến dự án bị dừng thực hiện, chậm tiến độ và gây ra thiệt hại không phải do việc lựa chọn VINAINCON từ phía chủ đầu tư TISCO bởi việc thẩm định năng lực của nhà thầu phụ là của chủ đầu tư và tổng thầu MCC.

Do đó, luật sư Nguyễn Thị Thu đề nghị đại diện Viện Kiểm sát thay đổi quan điểm luận tội và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh để đảm bảo sự công bằng của pháp luật cho bị cáo Đậu Văn Hùng.
 
VKS cáo buộc bị cáo Đậu Văn Hùng có vai trò là người thực hành. Với nhiệm vụ là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VNS, theo đề nghị của TISCO và chỉ đạo của Hội đồng quản trị VNS, bị cáo đã ký các Tờ trình đề nghị Hội đồng quản trị VNS báo cáo Chính phủ cho điều chỉnh chi phí phần C của Hợp đồng EPC số 01#; chấp thuận VINAINCON không đủ năng lực làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của Hợp đồng theo đơn giá.

Mặt khác, bị cáo đã trình Hội đồng quản trị VNS phê duyệt điều chỉnh cơ cấu TMĐT dự án, trong đó có dự phòng cho phần C của Hợp đồng tăng thêm 15,57 triệu USD không có cơ sở pháp lý, không đúng quy định của Hợp đồng EPC số 01#.
 
 
Hà Ly