Xét xử vụ tài xế Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không: Bị cáo khai gì về căn hộ đã bị 'tẩu tán'?
Sáng 22/4, TAND TP.HCM mở lại phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) về tội Vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ trong vụ việc chiếc xe Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, luật sư của bị cáo Phong vắng mặt. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy việc vắng mặt trên không ảnh hưởng đến phiên tòa, cùng với việc bị cáo Phong không đề nghị hoãn như lần trước nên phiên xử diễn ra như dự kiến.
Tại phiên tòa, nạn nhân Nguyễn Thị Bích Hường cho biết hơn một năm qua, chị phải tốn nhiều công sức đấu tranh nhưng chưa đòi lại được công bằng. Trong khi đó, gia đình bị cáo đã giúp Phong làm thủ tục sang tên căn nhà, tẩu tán tài sản nhằm mục đích né tránh việc bồi thường.
“Tôi yêu cầu HĐXX hủy thủ tục sang tên căn hộ của Phong, kê biên tài sản này để đảm bảo lợi ích cho các bị hại. Đồng thời, tòa tăng hình phạt cho bị cáo. Các bên liên quan cho thuê xe cũng phải chịu trách nhiệm vụ việc”, chị Hường nói.
Trước đó, trong quá trình thụ lý hồ sơ phúc thẩm, VKSND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu VKSND quận Phú Nhuận xác minh, bổ sung các tài liệu chứng cứ về việc mẹ bị cáo Phong cùng công chứng viên đến trại tạm giam để làm thủ tục sang tên căn hộ của bị cáo Phong, nhằm tẩu tán tài sản.
Bị cáo Phong khai đứng tên căn hộ thay cho mẹ
Cũng theo VKSND TP.HCM, vấn đề này đã được đề cập trong đơn kháng cáo của bị hại Nguyễn Thị Bích Hường nhưng qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, VKS nhận thấy vấn đề này chưa được xác minh làm rõ.
Do đó, VKS TP.HCM yêu cầu làm rõ việc trong quá trình tạm giam, bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong có được mẹ cùng công chứng viên đến nơi tạm giam để làm thủ tục sang tên căn hộ của bị cáo hay không. Nếu có, VKS đề nghị xác định thời điểm sang tên, công chứng. Tại sao các cơ quan tố tụng quận Phú Nhuận lại cho gia đình và công chứng viên đến nơi tạm giam bị cáo để làm thủ tục sang tên căn hộ.
VKS lập luận, bị cáo Phong bị khởi tố, truy tố về tội Vi phạm quy định giao thông đường bộ, gây hậu quả về thiệt hại tài sản, sức khỏe, tính mạng người khác. Căn cứ Điều 128 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì trường hợp này phải kê biên tài sản để đảm bảo bồi thường thiệt hại. Thế nhưng vì lý do nào đó mà việc này chưa được tiến hành.
Tại phiên tòa sáng 22/4, bà Trần Hoàng My (mẹ bị cáo Phong) cho biết căn hộ nêu trên là do bà mua. Lúc đó, cha của bà mất và bà được thừa kế số tiền hơn 800 triệu đồng. Do đó bà vay mượn thêm của người thân để mua căn nhà với giá 1,4 tỷ.
Tuy nhiên mẹ bị cáo lý giải: “Tôi không có chứng minh, hộ khẩu và giấy tờ tùy thân nên để con trai đứng tên hợp đồng mua bán”.
Được biết, căn hộ trên đã được thanh toán đầy đủ nhưng chưa có sổ hồng. Đại diện Công ty TNHH Nhà Mơ (chủ đầu tư căn hộ của Phong) xác nhận Phong mua lại căn hộ từ một cặp vợ chồng 3 năm trước. Căn hộ chưa có số hồng là do cư dân ở tại dự án chưa đủ. Phía công ty đang làm bản vẽ các căn hộ để trình văn phòng đăng ký đất đai nghiệm thu, cấp sổ hồng nhưng thủ tục đang bị kéo dài.
Cũng tại tòa, Phong khai mục đích chuyển nhượng nhà cho mẹ là để mẹ khắc phục hậu quả cho vụ án. Nhưng do căn nhà chưa có sổ hồng nên bà không thể thế chấp vay của ngân hàng. Khi tòa chất vấn "Tại sao không bán cho người khác"? thì bà My khai hơn hai mấy năm sống nhà thuê, nay có căn nhà, cả gia đình đều đang sống trong căn nhà này.
HĐXX yêu cầu chủ đầu tư hợp tác, hoàn tất thủ tục nhà đất để chia sẻ lợi ích của các bị hại trong vụ án.
Xem thêm: Vụ tài xế Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không: Tẩu tán tài sản để né tránh bồi thường?
Hà Ly