Xử lý theo cơ chế thị trường, 2/12 dự án yếu kém của ngành Công Thương đã có lãi

21:31 | 22/09/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Với việc xử lý 12 dự án yếu kém ngành Công Thương đúng cơ chế thị trường, cho đến nay, 2 dự án trong số này đã bước đầu có lãi. Đó là dự án của Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt-Trung.
Xử lý theo cơ chế thị trường, 2/12 dự án yếu kém của ngành Công Thương đã có lãi - ảnh 1
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) 
Chiều 21/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Bên cạnh việc cập nhật về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong tổng số 66 nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành, tập đoàn và tổng công ty để triển khai kế hoạch hành động thực hiện “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương” phải hoàn thành trong năm 2017 và 2018, đã có 41 nhiệm vụ hoàn thành, còn 25 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó có 15 nhiệm vụ đã quá hạn.

Bước đầu xử lý vấn đề phức tạp

Thông tin về tình hình của 12 dự án, doanh nghiệp, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ, đến nay Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt-Trung đã bước đầu có lãi, 4 dự án Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất - DQS từng bước khắc phục khó khăn.

Xử lý theo cơ chế thị trường, 2/12 dự án yếu kém của ngành Công Thương đã có lãi - ảnh 2
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex Đình Vũ) vận hành trở lại 3 dây chuyền; 2 dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đã chuẩn bị xong phương án khởi động lại nhà máy, đang chọn thời điểm giá nguyên liệu thuận lợi.

Đối với 3 dự án xây dựng dở dang, đến nay Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) không phải là cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không muốn tiếp tục triển khai Dự án; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với Tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc và các nhà thầu phụ.

Một số vấn đề phức tạp, khó giải quyết về pháp lý ở các dự án đã bước đầu được các đơn vị tập trung xử lý có hiệu quả là Dự án Nhà máy thép Việt-Trung đã hoàn tất đàm phán, ký kết được Hợp đồng liên doanh, Điều lệ liên doanh sửa đổi và quy định đề cử chức danh Tổng Giám đốc vào tháng 12/2017 sau một thời gian dài bế tắc; Dự án PVTex Đình Vũ sau thời gian tranh chấp căng thẳng với nhà thầu là Công ty Xây dựng Hyundai (HEC) thì nay hai bên đã thống nhất nối lại đàm phán.

“Việc xử lý các dự án đã bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án, đồng thời Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện việc rút thành công, thu về cho ngân sách Nhà nước 1.000 tỷ đồng từ phần vốn góp của SCIC vào dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên,” ông Hoàng Quốc Vượng khẳng định.

Đến hết tháng 6/2018, tổng số dư cấp tín dụng là 20.943 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng trung và dài hạn ở các dự án, doanh nghiệp đã giảm 124 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 1/2018.

Thông tin thêm, Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, Dự án PVTex Đình Vũ có nhiều chuyển biến tích cực. Phía nhà thầu Huyndai đã đề xuất thực hiện phương án hòa giải.

Từ khi khởi động 3 dây chuyền đến nay, Nhà máy sản xuất được 1.052 tấn sợi, chất lượng sản phẩm loại A đạt trên 95%. Trong tháng 8/2018, PVTex được tổ chức nước ngoài cấp chứng chỉ để xuất vào thị trường Mỹ, đảm bảo an toàn.

Sản phẩm cũng tiêu thụ tốt trên thị trường nội địa, 9 nhà sản xuất lớn đã mua ổn định, trong đó có các khách hàng khó tính của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy mới đạt doanh thu 38,7 tỷ đồng, nhưng dự án đã có lợi nhuận 1 tỷ đồng, công tác quản trị, tiết giảm chi phí được thực hiện và trong quý IV năm 2018 sẽ khởi động toàn bộ nhà máy.

Với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, ông Lê Mạnh Hùng cho biết, do có khó khăn nên có thể phải tính đến phương án giải thể.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) Nguyễn Phú Cường cho biết, Dự án DAP 1 Hải Phòng đã trả hết nghĩa vụ đầu tư và mong muốn Dự án thoát khỏi danh mục các dự án yếu kém, thoái vốn để đem lại lợi ích lớn hơn cho nhà nước.

Nói về sự cố vỡ đập bãi thải Dự án DAP 2 Lào Cai, ông Nguyễn Phú Cường cho hay, Nhà máy đang nhanh chóng tập trung xử lý vì chậm 1 tháng là mất đi 50 tỷ đồng.

Thể chế tiếp tục hoàn thiện

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, sau gần 2 năm triển khai xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, các bộ, ngành, trực tiếp là các tập đoàn, tổng công ty, cán bộ, công chức, người lao động các dự án, doanh nghiệp có đã nhiều nỗ lực cố gắng, đạt được nhiều kết quả, nhiều dự án có chuyển biến tương đối tích cực.

Các bộ, ngành có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện các thể chế. Bộ Tư pháp hỗ trợ pháp lý với các dự án mang lại hiệu quả cao. Các biện pháp phòng vệ chính đáng trong một số sản phẩm khi có tác động bất lợi cho sản xuất trong nước được thực hiện đã góp phần bảo vệ sản xuất trong nước mà không có sự phản ứng từ các nước.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã rất tích cực,chủ động chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại cơ cấu lại vấn đề tài chính theo đúng nguyên tắc Bộ Chính trị đã kết luận không cấp thêm tiền, các chủ thể tham gia chia sẻ trách nhiệm, rủi ro và lợi ích theo nguyên tắc của thị trường và theo quy định của luật. “Chưa áp dụng biện pháp đặc thù nào, chưa có giải pháp nào cá biệt, hoàn toàn theo quy định của pháp luật,” Phó Thủ tướng nêu rõ.

Biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng cho rằng những kết quả đó đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, tăng thu ngân sách, duy trì được công ăn việc làm, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nhờ đó ổn định tình hình an sinh và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được thực hiện tốt, tất cả các dự án đều được kiểm toán, không có sai phạm nào không được thanh tra.

Phó Thủ tướng cho rằng, so với mục tiêu Đề án đặt ra là tạo bước chuyển biến căn bản trong năm 2018, tạo tiền đề đến năm 2020 cơ bản xử lý xong các dự án kém hiệu quả thì còn phải nỗ lực rất nhiều.

Xử lý theo cơ chế thị trường, 2/12 dự án yếu kém của ngành Công Thương đã có lãi - ảnh 3
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh về giải pháp hoàn thiện thể chế trong xử lý các dự án nghìn tỷ thua lỗ trước các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các Bộ Công Thương, Tài chính, Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan liên quan… cùng lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty liên quan đến 12 dự án tổng hợp, rà soát các vướng mắc về pháp lý, theo hướng tập đoàn, tổng công ty nỗ lực ký hợp đồng tư vấn pháp luật, tư vấn cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo định hướng, giải pháp, lộ trình xử lý các vướng mắc này. Bộ Ngoại giao đề nghị Chính phủ các nước liên quan hỗ trợ thúc đẩy việc xử lý vướng mắc với các nhà thầu.

Bộ Tài chính chủ trì họp cùng với lãnh đạo các dự án, doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty rà soát giải quyết theo thẩm quyền và trình Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền liên quan đến phạm vi tài sản trích khấu hao, mức khấu hao với các dự án chưa được xử lý.

Ngân hàng Nhà nước chủ trì cuộc họp đánh giá việc tái cơ cấu nợ liên quan tới các dự án. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát việc thực hiện quyết định của Thủ tướng liên quan đến xử lý môi trường theo nguyên tắc đảm bảo về môi trường, nhất là dự án liên quan đến sản xuất phân bón; đôn đốc và chỉ đạo giải quyết sớm việc công nhận xử lý môi trường của dự án DAP 2 Lào Cai, sớm đưa nhà máy đi vào hoạt động.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương có đánh giá tác động của thị trường lên sản phẩm của các dự án, phát hiện vấn đề mới nảy sinh, giải quyết theo thẩm quyền, kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo những vấn đề lớn vượt thẩm quyền.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, dự án, doanh nghiệp tiếp tục tổ chức quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã được phê duyệt; tăng cường quản trị về sản xuất kinh doanh, chi phí giá thành, tài chính, nhân lực, tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề phát sinh trong quá trình tái cơ cấu, trong quý IV năm 2018 phải khởi động lại toàn bộ dự án PVTex và có định hướng tiêu thụ sản phẩm; đôn đốc các chủ sở hữu khởi động lại dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; xem xét phương án giải thể hoặc phá sản dự án Ethanol Phú Thọ; bán đấu giá tài sản và hàng tồn kho Nhà máy bột giấy Phương Nam.

Các cơ quan Kiểm toán, Thanh tra, điều tra phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ khẩn trương, đầy đủ, làm gọn với nguyên tắc sai phải xử theo quy định, trình tự của pháp luật, củng cố chứng cứ đến đâu xử lý đến đó, không nương nhẹ, rành mạch trách nhiệm, nhưng cũng phải đẩy nhanh tiến độ để các dự án, doanh nghiệp đi vào vận hành thuận lợi.

Trước đó, ngày 26/5, tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã báo cáo Quốc hội một số nội dung về các dự án kém hiệu quả.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã thẳng thắn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các dự án nghìn tỷ thua lỗ. Ông cho rằng cần đánh giá đầy đủ nguyên nhân chủ quan và khách quan để đánh giá các vấn đề tồn tại; đặt trọng tâm vào các giải pháp đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước, xác định làm rõ trong khung pháp lý, hoàn thiện về thể chế, trong đó bao gồm cả những nội dung phân cấp kèm theo hậu kiểm, làm rõ trách nhiệm của các cấp, kể cả các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, chủ trương đầu tư, quá trình thực hiện đầu tư.