(DNVN) - Sau những lùm lùm về xuất khẩu gạo vừa qua, nhiều ý kiến lo ngại mặt hàng gạo sẽ tuột mất các cơ hội xuất khẩu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu mặt hàng gạo tăng mạnh sau khi Chính phủ cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ ngày 1/5.
Theo Báo cáo tình hình hoạt động ngành Công nghiệp và Thương mại tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 vừa được Bộ Công Thương công bố, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông thủy sản như thủy sản, rau quả, cà phê, hạt tiêu đều giảm… Ngược lại, xuất khẩu mặt hàng gạo tăng mạnh sau khi Chính phủ cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ ngày 1/5.
Theo ước tính, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5 tăng mạnh, 47% về lượng và 55,3% về trị giá so với tháng trước, đồng thời tăng 11,7% về lượng và 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đạt 750.000 tấn, trị giá 395 triệu USD. Đáng chú ý, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5 tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua với bình quân đạt 527 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng 4/2020 và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu gạo của nước ta đã tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 485 USD/tấn. Với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm nay. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này trong 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,11 triệu tấn, trị giá 1,387 tỷ USD, giảm mạnh về lượng và về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy lượng gạo giao dịch từ thời điểm được phép xuất khẩu bình thường trở lại (ngày 1/5 - 15/5) đạt 525.842 tấn, trị giá 276,479 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu gạo từ ngày 1/1 - 15/5 đạt 2,613 triệu tấn, tương ứng với kim ngạch 1,258 tỷ USD.
Đồng thời, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đánh giá, gạo là mặt hàng có giá trị tăng trưởng cao nhất trong các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu 5 tháng đầu năm, đạt 1,4 tỷ USD, tăng 18,9% giữa lúc tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo xuất khẩu tăng do ảnh hưởng của COVID-19, theo đó, trong tháng 5, giá chào gạo trắng thường 5% tấm của Việt Nam ở mức 475 USD/tấn, cao hơn 110 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chưa nên vội mừng với những thành quả ban đầu, bởi sở dĩ kết quả đạt được là nhờ nhu cầu lúa gạo trên thế giới tăng cao và trên thực tế, ngành sản xuất lúa gạo vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo đó, những điểm nghẽn của ngành lúa gạo hiện nay là thiếu thương hiệu, chất lượng chưa cao, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã còn lỏng lẻo, sản xuất manh mún. Trong khi đó, ngành lúa gạo muốn phát triển bền vững đòi hỏi sản phẩm phải an toàn, có đầu mối giao nhận, đặc biệt cần có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Bên cạnh mặt hàng gạo, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 5 cũng tăng mạnh 38,7% so với cùng kỳ năm 2019. Mặt hàng sắn lát đang có nhiều cơ hội khi Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi ngành chăn nuôi lợn sau dịch tả lợn châu Phi dẫn đến nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng cao. Hiện giá xuất khẩu sắn lát vẫn tiếp tục tăng do khan hiếm nguồn cung trước bối cảnh nhiều diện tích sắn Trung Quốc đang bị dịch bệnh khảm lá sắn tiếp tục bùng phát và lây lan trên diện rộng, nguy cơ sản lượng sắn năm nay có thể giảm.