Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật Bản ghi nhận tín hiệu sáng
Theo số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa công bố, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu thuỷ sản 6 tháng đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó, các sản phẩm chủ lực đều giảm sâu.
Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) cho thấy, mặc dù không tránh khỏi tăng trưởng âm trong xu hướng sụt giảm chung của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhưng so với các sản phẩm thủy sản chính khác, giá trị mực, bạch tuộc ghi nhận mức giảm nhẹ hơn.
Theo đó, xuất khẩu 2 mặt hàng này sang các thị trường tiêu thụ chính đồng loạt giảm 2 con số trừ Nhật Bản. Cùng với đó, các thị trường nhỏ hơn như Malaysia, Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines cũng có tín hiệu tích cực hơn, ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số từ 15-75%.
Theo chuyên gia từ Vasep, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm do tác động của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mực, bạch tuộc tiếp tục phải đối mặt với bất lợi về giá thành nguyên liệu khai thác, thời tiết không thuận lợi cho hoạt động đánh bắt. Thẻ vàng IUU chưa gỡ được, sản lượng đánh bắt không ổn định dẫn đến giá nguyên liệu tăng cao, chi phí nguyên vật liệu đã tăng trong thời gian vừa qua nhưng chưa được điều chỉnh kịp trong giai đoạn hiện nay làm tổng giá thành sản xuất tăng. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của đơn vị.
5 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu mực giảm 11%, bạch tuộc giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số các sản phẩm mực, bạch tuộc, sản phẩm bạch tuộc chế biến có xu hướng giảm ít nhất với mức giảm gần 2%, đạt 21 triệu USD.
Tín hiệu tích cực từ thị trường Nhật Bản
Tính tới tháng 5 năm nay, các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam đã sang 65 thị trường. Top 10 thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc), Italy, Mỹ, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Tây Ban Nha và Pháp.
Hàn Quốc là thị trường nhập 2 mặt hàng này lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 35%. 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đạt 84 triệu USD, giảm 13%. Bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh… là sản phẩm chủ lực của Việt Nam sang thị trường này.
Nhật Bản là thị trường đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 27%. So với thị trường Hàn Quốc, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật Bản có tín hiệu tích cực hơn. 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này đạt 64 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản lượng khai thác mực, bạch tuộc nội địa của Nhật ngày càng giảm trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng đối với các sản phẩm mực, bạch tuộc ăn liền, tiện lợi do lối sống hiện đại, bận rộn, ít thời gian nấu nướng. Đây là yếu tố tác động tích cực tới xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), Nhật Bản tăng mạnh nhập khẩu mực, bạch tuộc từ Mauritania và Peru trong khi giảm từ Trung Quốc. Đồng thời tăng nhập bạch tuộc đông lạnh với mức tăng 55%, đạt 115 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay.
Đầu năm 2023, do nhu cầu thị trường giảm, lạm phát tăng cao, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam bị giảm đơn hàng, phải hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa một số nhà máy. Dự kiến, quý III sẽ tốt hơn so với 2 quý trước. Nhưng nguồn nguyên liệu sẽ khó khăn vì sản lượng khai thác tại các vùng biển trên thế giới đang giảm, cùng với đó các lệnh cấm khai thác tại các vùng biển bắt đầu có hiệu lực, và mùa mưa bão tới sẽ làm giảm nguồn cung.