Một số điểm sáng trong bức tranh nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2023

Lạc Lạc 10:33 | 29/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 29/6, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, trong bối cảnh "mưa thuận gió hoà", toàn ngành sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định, thậm chí đã có những tín hiệu phục hồi trong bối cảnh kinh tế thị trường còn khó khăn.

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II và 6 tháng đầu năm 2023 phát triển ổn định. Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định do tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan do áp dụng mô hình nuôi tôm đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

Dưới đây là một số điểm sáng đáng chú ý trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản nửa đầu năm 2023:

Năng suất lúa tiếp tục tăng dù diện tích gieo trồng giảm

Trong lĩnh vực nông nghiệp, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm 2023 đạt gần 3 triệu ha, bằng 98,7% vụ đông xuân năm trước. Trong đó: Các địa phương phía Bắc đạt 1,1 triệu ha, bằng 99%; các địa phương phía Nam đạt 1,9 triệu ha, bằng 98,5%. Diện tích lúa đông xuân năm nay giảm gần 40 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước chủ yếu do chuyển sang đất phi nông nghiệp phục vụ quá trình đô thị hóa, chuyển sang trồng cây lâu năm hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Do thời tiết thuận lợi cùng với mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được nhân rộng nên năng suất lúa đông xuân năm nay đạt khá. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân của cả nước ước đạt 68,4 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 64,4 tạ/ha, tăng 2,2 tạ/ha; các địa phương phía Nam đạt 70,8 tạ/ha, tăng 1,5 tạ/ha (Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 72,2 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha). 

Mặc dù diện tích gieo cấy giảm nhưng năng suất tăng cao nên sản lượng lúa đông xuân cả nước năm nay tăng so với vụ đông xuân năm trước, ước đạt 20 triệu tấn, tăng 232 nghìn tấn. Trong đó, miền Bắc đạt 6,9 triệu tấn, tăng 165,8 nghìn tấn; miền Nam đạt 13,3 triệu tấn, tăng 66,1 nghìn tấn, (riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 10,68 triệu tấn, tăng 8,1 nghìn tấn).

Cùng với việc thu hoạch vụ đông xuân, tính đến trung tuần tháng 6, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1,8 triệu ha lúa hè thu, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1,4 triệu ha, bằng 97,9%. Lúa hè thu các địa phương phía Bắc đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến chắc xanh; lúa hè thu chính vụ ở các địa phương phía Nam vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đến trổ chín, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó có 201 nghìn ha diện tích lúa hè thu sớm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thu hoạch, chiếm 14,1% diện tích xuống giống. Do đặc điểm lúa hè thu sinh trưởng trong điều kiện nắng nóng, nền nhiệt cao, có thể thiếu nước ở đầu vụ nhưng thu hoạch vào thời điểm có mưa đầu mùa, ngành Nông nghiệp cần theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, có biện pháp xử lý kịp thời để lúa hè thu cho kết quả tốt.

Cùng với việc gieo cấy lúa, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Tuy nhiên, diện tích khoai lang và đậu tương, lạc tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao.

Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước tính đạt 3,7 triệu ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm cây công nghiệp đạt 2,2 triệu ha, tăng 0,3%; nhóm cây ăn quả đạt 1,1 triệu ha, tăng 2,7% chủ yếu ở nhóm cây có múi và nhóm cây có giá trị cao, thị trường tiêu thụ ổn định như xoài, sầu riêng, mít, chuối. 

 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt đạt khá do thời tiết thuận lợi và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý.

Sản lượng thuỷ sản tăng bất chấp nhiều thách thức

Sản lượng thủy sản quý II ước đạt 2,3 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1,7 triệu tấn, tăng 1,2%; tôm đạt 352,3 nghìn tấn, tăng 3,8%; thủy sản khác đạt 337,6 nghìn tấn, tăng 0,9%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 4,3 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Mặc dù, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm trong 6 tháng đầu năm 2023 (theo Agromonitor, tính tới trung tuần tháng 6 năm 2023, giá cá tra dao động từ 26.500-27.000 đồng/kg, giảm 4-5.000 đồng/kg so với thời điểm cùng kỳ năm trước) do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu ở mức thấp nhưng sản lượng cá tra tăng so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cá tra quý II ước đạt 436,9 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 789,3 nghìn tấn, tăng 2,2%.

Cùng với cá tra, giá tôm nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có xu hướng giảm (tính tới trung tuần tháng 6 năm 2023, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg dao động ở mức 80.000 đồng/kg; loại 80 con/kg dao động ở mức 86.000 đồng/kg; giá tôm sú loại 20 con/kg dao động ở mức 215.000 đồng/kg). Tôm thẻ chân trắng tiếp tục chuyển đổi từ nuôi thâm canh sang siêu thâm canh hoặc nuôi thâm canh với mật độ cao hơn.