6 tháng đầu năm, tình hình lạm phát ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ra sao?
TP Hà Nội: CPI 6 tháng tăng 3,25%
Theo Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, CPI tháng 6 của địa phương tăng 0,7% so với tháng trước. Trong đó, có 9 trong tổng số 11 nhóm hàng hóa ghi nhận chỉ số CPI tăng so với tháng 5, trong đó có 3 nhóm tác động lớn vào chỉ số CPI chung.
Đầu tiên, nhóm hàng hóa giao thông tăng 3,8%, tác động làm tăng CPI chung 0,37%; chủ yếu do giá xăng, dầu điều chỉnh tăng 3 kỳ liên tiếp vào ngày 1/6, 13/6 và ngày 21/6 làm bình quân trong tháng giá xăng tăng 8,18% so với tháng trước, giá dầu diezen tăng 8,49%.
Thứ hai, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,12%, tác động tăng CPI chung 0,35%, trong đó lương thực tăng 0,2%, thực phẩm tăng 1,36%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,82%.
Thứ ba, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,14%, tác động tăng CPI chung 0,1% do tháng 6 là thời điểm học sinh các trường học bắt đầu vào kỳ nghỉ hè, các hoạt động văn hoá, vui chơi, giải trí được đẩy mạnh.
Các nhóm còn lại có chỉ số CPI tăng nhẹ từ 0,02% - 0,34%, tác động không đáng kể vào CPI chung.
Duy chỉ có 2 trên tổng số 11 nhóm hàng hóa có chỉ số CPI giảm so với cùng kỳ năm 2021 là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,76%, tác động làm giảm CPI chung 0,15% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,11%, tác động không đáng kể đến CPI.
So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 6 của Hà Nội tăng 4,31%.
Nếu tính cả quý II, chỉ số CPI bình quân quý của Hà Nội tăng 3,84% so với quý II/2021, chủ yếu do giá xăng liên tục tăng trong 7 kỳ điều hành gần đây làm nhóm giao thông tăng 17,24%. Bên cạnh đó, một số nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng và tác động đáng kể đến CPI bao gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,76%, tác động tăng CPI chung 0,86%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 5,71%, tác động tăng CPI chung 0,27%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,82%, tác động tăng CPI chung 0,98%...
Trong quý, có 2/11 nhóm chỉ số CPI bình quân quý II giảm so với cùng kỳ là nhóm giáo dục giảm 0,8% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,36%.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, chỉ số CPI bình quân tăng 3,25%, trong đó 2 nhóm hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu là nhóm giao thông tăng 16,07% và nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,61%.
Các nhóm hàng có chỉ số CPI bình quân 6 tháng tăng so với bình quân cùng kỳ: Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,93%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,12%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,06%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,77%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,59%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,41%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,68%.
Tương tự, có 2 trên 11 nhóm hàng ghi nhận CPI bình quân 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm ngoái là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,32% và nhóm giáo dục giảm 1,99%.
TP Hồ Chí Minh: CPI 6 tháng tăng 2,04%
Tại TP Hồ Chí Minh, CPI tháng 6 ghi nhận mức tăng 0,91% so với tháng 5, trong đó 9 trên tổng số 11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng đóng góp vào mức tăng chung.
Cụ thể, tăng cao nhất là nhóm giao thông với mức tăng 3,89%, chủ yếu là do nhóm nhiên liệu tăng 7,18% và trong tháng 6/2022 có 3 lần điều chỉnh giá bán xăng, dầu.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng ghi nhận mức tăng 1,05%. Ngoài ra, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,05%. nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,92%, chủ yếu do giá nhà ở thuê tăng 1,63%; nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 0,13%...
So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 6 tăng 3,01%. Trong đó, 8 trên tổng số 11 nhóm hàng ghi nhận chỉ số giá tăng, đặc biệt nhóm giao thông tăng 22,15% do tác động từ giá xăng dầu tăng cao. Ngoài ra, 3 nhóm hàng hóa chứng kiến chỉ số giá giảm trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,37%; nhóm dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 1,78%; nhóm dịch vụ giáo dục giảm 2,85%.
Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI của TP Hồ Chí Minh tăng 2,04% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên cả nước, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, CPI tháng 6 tăng 0,69% so với tháng 5 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá xăng dầu liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển. Bình quân quý II/2022, CPI cả nước tăng 2,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44%.