98 tổ chức phát hành chậm nghĩa vụ trả nợ trái phiếu với tổng giá trị 128.500 tỷ đồng
Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tháng 4 của FiinRatings cho thấy sau tháng 3 sôi động thì tháng 4 chỉ ghi nhận duy nhất 1 lô trái phiếu riêng lẻ được phát hành trị giá 671 tỷ đồng từ CTCP North Star Holdings.
Lô trái phiếu duy nhất này thuộc nhóm ngành bất động sản có kỳ hạn 16 tháng với lãi suất 14%/năm. Đây cũng là mức lãi suất danh nghĩa cao nhất được ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay.
Điều này cũng dẫn đến quy mô phát hành trong tháng chỉ tương đương 2,5% so với tháng 3 và bằng 2,25% so với cùng kì năm trước.
Ở chiều ngược lại, quy mô trái phiếu mua lại trước hạn trong tháng đạt gần 11.300 tỷ đồng, giảm 41,6% so với tháng trước và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 61% giá trị trái phiếu mua lại trong tháng đến từ nhóm ngân hàng (bao gồm VIB, Sacombank, VP Bank và BIDV).
Giá trị trái phiếu được các ngân hàng mua lại trước hạn đã tăng 5,6 lần so với tháng 3 và tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, 8/12 lô trái phiếu được các ngân hàng mua lại có kỳ hạn 3 năm và sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2024-2025.
Theo thống kê của FiinRatings, tính đến ngày 4/5, thị trường đã ghi nhận 98 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ TPDN với tổng giá trị là 128.500 tỷ đồng, tăng 13,6% so với lần cập nhật gần nhất.
Bên cạnh đó, sau khi Nghị định 08 về thị trường trái phiếu được Chính phủ ban hành, cho phép kéo dài thời gian đáo hạn tối đa hai năm, thị trường TPDN cũng đã ghi nhận một số hoạt động cơ cấu lại nợ triển khai theo quy định mới này.
Chẳng hạn, ngày 4/5, CTCP Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) gia hạn thời gian thanh toán 148 tỷ đồng dư nợ còn lại (theo mệnh giá phát hành) của lô trái phiếu PDRH2123002. Theo đó, thay vì đáo hạn ngày 28/4, Phát Đạt sẽ chia làm 3 đợt thanh toán từ tháng 5 đến tháng 7; tỷ lệ hoàn trả lần lượt mỗi tháng là 30%, 30%, 40% và lãi suất sẽ được tăng từ 13%/năm lên 15%/năm.
CTCP Tập đoàn Sovico gần đây cũng đã gia tăng kỳ hạn của 52 gói trái phiếu từ 36 tháng lên 60 tháng. Theo đó, các lô trái phiếu trên của Sovico sẽ được chuyển thời gian đáo hạn sang quý II/2025 theo nghị quyết của HĐQT sau khi có sự đồng ý của trái chủ.
Thông tư 03 chưa giúp thanh khoản cải thiện
Cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà Nước cũng đã ban hành liên tiếp hai Thông tư 02, quy định về cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn và Thông tư 03, điều chỉnh hoạt động mua,bán TPDN của tổ chức tín dụng.
Đối với các quy định của Thông tư 02, FiinRatings cho rằng sẽ có tác động phân hoá lên lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng. Trong khi đó, khách hàng đang gặp khó khăn sẽ giảm áp lực trả nợ; các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới để đảo nợ, tiếp tục kinh doanh và gián tiếp hỗ trợ thanh khoản phía cầu của bất động sản khi thị trường nhà ở diễn ra tương đối ảm đạm từ nửa cuối 2022.
Tuy nhiên, bản chất khoản nợ được cơ cấu lại vẫn là nợ xấu và vì vậy vẫn nhảy nhóm nếu môi trường kinh doanh và tình hình doanh nghiệp không cải thiện sau 12 tháng khi quy định này hết hiệu lực. Do đó, vẫn sẽ có rủi ro một số doanh nghiệp không cải thiện được tình hình tài chính có thể nhảy nhóm nợ, chịu thêm áp lực từ nợ vay cũ lẫn mới.
FiinRatings nhận định, yêu cầu phải xác định được tính khả thi trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ theo thời gian cơ cấu sẽ là một thách thức trong việc triển khai và đánh giá của các tổ chức tín dụng. Cho nên, các tổ chức tín dụng sẽ tập trung ưu tiên các khoản vay lớn hoặc khách hàng lớn thay vì áp dụng đại trà cho toàn bộ khách hàng.
Còn Thông tư 03 tạm thời gỡ nút thắt thanh khoản trên thị trường TPDN; ổn định tâm lý từ tổ chức phát hành và đhà đầu tư khi dòng vốn tạm thời được đảm bảo trước áp lực đáo hạn lớn sắp tới. Bên cạnh đó, giảm tỉ trọng nắm giữ TPDN của nhà đầu tư cá nhân, đưa thị trường về trạng thái cân bằng và ổn định hơn khi tài sản được nắm giữ bởi nhà đầu tư tổ chức.
Song, việc quy định doanh nghiệp có trái phiếu được mua lại phải ở mức xếp hạng tín dụng nội bộ cao nhất của tổ chức tín dụng nhiều khả năng sẽ không đáp ứng nhu cầu cần được mua lại từ các tổ chức phát hành hiện đang gặp khó khăn thanh khoản. Bởi vì, phần lớn các tổ chức phát hành có sức khỏe tín dụng hoặc xếp hạng tín nhiệm ở mức thấp. Đồng thời, các ngân hàng thương mại sẽ cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn để tránh việc áp dụng sai.
Bên cạnh đó, hiệu lực của Thông tư chỉ kéo dài đến hết năm nay, nên đây chỉ là giải pháp tạm thời ít tạo ra thanh khoản thực cho thị trường TPDN. Điều này còn vô tình tạo tiền lệ xấu cho thị trường TPDN khi ngân hàng đứng ra thanh toán thay cho doanh nghiệp.
Bởi nếu trái phiếu lại quay lại sở hữu bởi ngân hàng, điều đó sẽ mang bản chất hoạt động tín dụng thay vì hoạt động trái phiếu của thị trường vốn và làm gia tăng rủi ro tập trung trong ngắn hạn đối với hệ thống, song sẽ giúp thị trường bình ổn trong dài hạn.