ACV: 3 lần liên tiếp đạt Doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc Châu Á

19:02 | 18/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) là đơn vị đầu ngành của ngành hàng không nước ta, liên tục đạt được những bước phát triển quan trọng.

Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) là gì?

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP, thường được gọi tắt là ACV với tên giao dịch quốc tế là Airports Corporation of Vietnam, có trụ sở chính tại 58 đường Trường Sơn - Phường 2 - Quận Tân Bình, TP.HCM.

Trước đấy, ACV là Công ty TNHH Một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được chuyển đổi thành công ty cổ phần hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ ngày 06/10/2015.

ACV: 3 lần liên tiếp đạt Doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc Châu Á - ảnh 1 

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP, tên gọi tắt là ACV.

ACV hiện đang quản lý, đầu tư, khai thác khai thác hệ thống 22 Cảng hàng không trong cả nước, bao gồm:

09 Cảng hàng không quốc tế: Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ , Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng.

13 Cảng hàng không nội địa: Đồng Hới, Nà Sản, Điện Biên, Thọ Xuân, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo, Phù Cát, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai. 

ACV có vốn điều lệ trên 21.771 tỷ đồng , tương ứng 2.177.173.236 cổ phần, do Nhà nước nắm giữ 95,4% cổ phần; các cổ đông khác nắm giữ 4,6% với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

Hai thuyền trưởng chính của ACV hiện nay là ông Lại Xuân Thanh -  Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị và ông Vũ Thế Phiệt - Tổng Giám Đốc.

Quá trình hình thành và phát triển của ACV

Ngày 11/02/1976, Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam  được thành lập và quản lý 03 sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không để bước vào công cuộc khôi phục kinh tế.

Ngày 02/4/1993, Cụm cảng hàng không sân bay miền Bắc, miền Trung, miền Nam được thành lập và hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

Ngày 31/12/1998, các Cụm cảng hàng không sân bay miền Bắc, miền Trung, miền Nam được chuyển đổi thành doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích. Đồng thời, 3 đơn vị này đổi tên thành ba Cụm cảng hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam. 

ACV: 3 lần liên tiếp đạt Doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc Châu Á - ảnh 2

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và áp dụng Luật Hàng không dân dụng 2006 từ ngày 01/01/2007, cơ chế quản lý ngành Hàng không nói chung và các doanh nghiệp cảng hàng không đã bước đầu có chuyển biến.

Năm 2007, các Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, miền Trung và miền Nam ra đời theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải. Đồng thời, từ một bộ phận của ba Tổng công ty Cảng hàng không cũng tiến hành thành lập ba Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam, vẫn trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam.

Từ tháng 7/2010, các đơn vị Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam tiếp tục được chuyển đổi theo mô hình các Công ty TNHH Nhà nước một thành viên, hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

Ngày 08/02/2012, chính thức thành lập Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Airports Corporation of Vietnam – ACV) trên cơ sở hợp nhất ba Tổng công ty này với mục tiêu tập trung nguồn lực, trí tuệ, thực hiện nhất quán chiến lược phát triển thành doanh nghiệp mạnh trong ngành hàng không khu vực và thế giới.

Doanh nghiệp tiến hành đầu tư mở rộng và nâng cấp với hàng chục ngàn tỷ đồng để đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo thành hệ thống các Cảng hàng không hiện đại theo tiêu chuẩn ICAO; từ đó đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của hành khách khu vực và thế giới.

Ngày 06 tháng 10 năm 2015, đơn vị chuyển đổi mô hình CTCP -  Công ty mẹ - Công ty con, do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối cùng với Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. 

Ngày 16/3/2016, Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP, đã thành công tốt đẹp tại TP.Hồ Chí Minh với nhiệm kỳ 2016 – 2020.

Từ 21/11/2016, cổ phiếu của Tổng công ty  Cảng hàng không Việt Nam chính thức có mặt trên sàn chứng khoán UPCOM, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và bắt đầu giao dịch với mã chứng khoán ACV.

Từ 12/11/2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại ACV từ Bộ Giao thông vận tải.

 ACV: 3 lần liên tiếp đạt Doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc Châu Á - ảnh 3

Sau chặng đường hình thành, đơn vị đang ngày một phát triển lớn mạnh.

Giải thưởng và thành tựu của ACV

Năm 2018 và 2019 được trao “Giải thưởng doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc Châu Á”.

Năm 2017 và 2018 được trao giải “Top 10 doanh nghiệp có năng lực quản trị tài chính tốt nhất ngành hạ tầng trên sàn chứng khoán Việt Nam”.

Top 50 “Nhãn hiệu nổi tiếng – Nhãn hiệu cạnh tranh Việt Nam 2019”.

Được khen thưởng là đơn vị thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.

Năm 2020, ACV được vinh danh: Lần thứ ba liên tiếp (2018, 2019, 2020) được vinh danh Doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc Châu Á 2020, Top 10 Doanh nghiệp tiêu biểu ASEAN 2020, Top 20 Nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam 2020, Top 30 Doanh nghiệp nộp thuế tiêu biểu trong lịch sử phát triển 30 năm của ngành Thuế.

ACV có thể đối mặt với khó khăn khi bị phát hiện nhiều sai phạm

Thanh tra Bộ Tài chính vừa có kết luận chính thức và chỉ ra nhiều sai phạm về việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam-CTCP (ACV). Cụ thể, qua quá trình tiến hành thanh tra tại Công ty mẹ-Tổng công ty và 4 doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, cho thấy quản lý công nợ còn nhiều vấn đề.

Tại thời điểm 31/12/2017, nợ phải thu ở 5 doanh nghiệp được thanh tra là 8.020 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kết quả thanh tra cho thấy, có 4/5 doanh nghiệp được thanh tra chưa thực hiện đối chiếu, xác nhận đầy đủ nợ phải thu chiếm 11,8% tổng nợ phải thu với số tiền 943 tỷ đồng.

16 tỷ đồng là khoản tiền đã ứng và thanh toán cho các nhà thầu của một số hạng mục đã dừng thi công cũng là con số mà Công ty mẹ-Tổng công ty chưa kịp thời xử lý để thu hồi, theo Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra.

Nguyên nhân chủ yếu ở đây là do đến thời điểm 31/12/2017, các đơn vị đã gửi bản xác nhận nợ nhưng các khách nợ chưa gửi lại cho các đơn vị. Một số khách hàng chủ yếu là các hãng hàng không nước ngoài đã thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh nên không thể liên hệ, hoặc đã gửi biên bản xác nhận nợ nhưng các hãng này không gửi lại...

ACV: 3 lần liên tiếp đạt Doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc Châu Á - ảnh 4 

ACV được yêu cầu làm rõ về việc quản lý tài sản cố định.

Bên cạnh đó, số tiền 6 tỷ đồng cũng là sai phạm về việc quản lý tài sản cố định, khi thanh tra của Bộ Tài chính chỉ ra có 2/5 doanh nghiệp được thanh tra hạch toán tăng chưa đúng chi phí khấu hao tài sản cố định năm 2017.

Như vậy, với loạt sai phạm trên, ACV phải nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước tổng cộng 321,8 tỷ đồng; trong đó, chênh lệch thu - chi từ hoạt động khu bay (tài sản nhà nước) số tiền hơn 24 tỷ đồng.

Danh sách các Công ty con và công ty liên kết của ACV

1. NAFSC - Công ty Cổ phần Dịch vụ Nhiên liệu Hàng không Nội Bài

2. SATCO - Công ty Cổ phần Thương mại Hàng không Miền Nam 

3. SATSCO - Công ty Cổ phần Vận tải Hàng không Miền Nam 

4. HGS - Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội 

5. CRTC - Công ty Cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh 

6. SAAM - Công ty TNHH Dịch vụ bảo dưỡng máy bay Cảng hàng không Miền Nam 

7. SAGS - Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn 

8. SCSC - Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Sài Gòn 

9. Công ty Cổ phần Đầu tư TCP

10. AHT - Công ty Cổ phần đầu tư khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng 

11. ACSV - Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Hàng không 

12. SASCO - Công ty Cổ phần Dịch Vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất 

Xem thêm: Vắng khách bởi Covid, sân bay Nội Bài thay đổi phương án khai thác

Phương Thúy