Ông Lại Xuân Thanh thôi giữ chức Chủ tịch ACV sau 7 năm gắn bó
Ông Lại Xuân Thanh sinh năm 1963, có trình độ Thạc sĩ Quản lý Nhà nước. Giữa năm 2017 - thời điểm đang giữ vai trò Cục trưởng Hàng không Việt Nam, ông được Bộ Giao thông Vận tải điều chuyển, bổ nhiệm làm Chủ tịch ACV. Đồng thời, ông cũng là người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý, vận hành 22 sân bay trong nước này.
Hiện tại, ACV chưa công bố thông tin người sẽ giữ vai trò Chủ tịch HĐQT thay thế. Sau khi ông Thanh nghỉ hưu, HĐQT ACV còn 6 thành viên gồm: Ông Vũ Thế Phiệt, Đào Việt Dũng, Lê Văn Khiên, Nguyễn Ngọc Quý, bà Lê Thị Diệu Thúy và Nguyễn Thị Hồng Phượng.
Dưới sự dẫn dắt của ông Thanh, ACV đã chứng kiến giai đoạn kinh doanh tăng trưởng và ổn định, ngoại trừ hai năm 2020-2021 do đại dịch COVID-19. Trong năm tài chính 2023, ACV ghi nhận lợi nhuận ròng kỷ lục gần 8.500 tỷ đồng.
Đà khởi sắc tiếp tục được duy trì đến quý II năm nay, khi doanh thu trong quý tiếp tục đi lên nhờ sự phục hồi của lượng khách quốc tế. Đồng thời, doanh nghiệp ghi nhận khoản lãi tỷ giá không phải tiền mặt 434 tỷ đồng từ khoản vay vốn ODA bằng yen Nhật, khi đồng tiền này mất giá mạnh trong quý II vừa qua. Tính chung sáu tháng đầu năm, khoản lãi tỷ giá này đạt tổng cộng 517 tỷ đồng (trong khi nửa đầu năm 2023 lỗ 300 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của ACV tăng 16% lên 11.178 tỷ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế nhờ đó tăng hơn 45% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 7.627 tỷ đồng và 6.148 tỷ đồng.
Quyết định nghỉ hưu của ông Thanh được đưa ra trong bối cảnh ACV đang đẩy mạnh tiến độ dự án trọng điểm Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), được coi là động lực tăng trưởng chủ chốt của ngành hàng không Việt Nam trong thập kỷ tới.
Ông Thanh đã nhiều lần thể hiện quyết tâm với siêu dự án này. Điển hình như vào năm 2020, cựu Chủ tịch ACV khẳng định sẽ khởi công giai đoạn 1 của dự án, dù lúc đó công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Gần đây nhất tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Quốc hội đầu tháng 8, ông Thanh cho biết phần xây dựng nhà ga sân bay Long Thành sẽ hoàn thành trước năm 2025. Cùng với việc hoàn thiện, nhà thầu sẽ lắp đặt thiết bị vận hành thử từ đầu năm 2026, phấn đấu đưa vào khai thác nhà ga trước 31/8/2026.
Trong một báo cáo cập nhật của Chứng khoán SSI, bộ phận phân tích cho biết ACV kỳ vọng việc xây dựng các dự án trọng điểm sẽ được tiến hành đúng tiến độ, trong đó T3 Tân Sơn Nhất và T2 Nội Bài dự kiến hoàn thành vào năm 2025 và sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2026. Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 120.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) cho 3 dự án này. Các dự án này được kỳ vọng sẽ giảm bớt nút thắt năng lực hiện tại của ngành hàng không Việt Nam và giúp thúc đẩy tăng trưởng hành khách trong dài hạn.
SSI Research cũng cho rằng sự phục hồi số lượng hành khách quốc tế tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho ACV trong năm 2024 và 2025.
Cụ thể, đơn vị này giả định tổng lượng hành khách tăng 14% trong năm 2024 trước khi quay trở lại mức tăng trưởng thông thường trong dài hạn là 10% trong năm 2025. Trong đó, hành khách nội địa có thể giảm 3% svck trong năm 2024 do một số máy bay bị dừng bay để sửa động cơ trước khi tăng trở lại 5% trong năm 2025. Trong khi đó hành khách quốc tế dự kiến sẽ tăng 67% trong năm 2024 và 18% trong năm 2025.