Alibaba của Jack Ma mất gần 500 tỷ USD vốn hóa sau một năm
Giá trị vốn hóa thị trường của Alibaba Group Holding đã giảm một nửa sau một năm kể từ khi thương vụ IPO của gã khổng lồ fintech Ant Group, một công ty thuộc tập đoàn Alibaba, bị hoãn dưới áp lực của chính phủ.
Chính điều này đã làm mất động lực tăng trưởng của gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử, theo Asia Nikkei.
Tháng 10/2020, vốn hóa thị trường của Alibaba đạt giá trị khoảng 846 tỷ USD (tính theo tỷ giá hiện tại). Kể từ thời điểm đó, giá trị vốn hóa tập đoàn đã lao dốc. Thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa của gã khổng lồ ngành thương mại điện tử này chỉ còn khoảng 358 tỷ USD.
Tập đoàn hiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York. Trong khi đó, theo một ước tính, giá trị của Ant Group đã giảm xuống dưới 200 tỷ USD từ mức hơn 300 tỷ USD một năm trước.
Kết quả báo cáo kinh doanh tháng này cũng chỉ ra xu hướng lao dốc của tập đoàn do tỷ phú Jack Ma sáng lập. CEO Daniel Zhang cùng các giám đốc điều hành khác đã phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa từ các nhà phân tích về kết quả không mấy khả quan trong quý trước.
Khi được hỏi lúc nào thì các hoạt động kinh doanh mới có khả năng tạo ra lợi nhuận, và liệu lợi nhuận của tập đoàn sụt giảm có phải do các yếu tố kinh tế vĩ mô hay không, ban lãnh đạo đã không đưa ra những câu trả lời rõ ràng.
Theo Giám đốc tài chính Maggie Wu, bất ngờ lớn nhất có lẽ là mức dự kiến tăng trưởng doanh thu trong nửa cuối năm nay chỉ đạt từ 11% đến 16%, thấp hơn nhiều so với mức 41% cùng kỳ năm trước.
Điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng doanh thu tổng thể cả năm chỉ rơi vào khoảng 20% - 23%, con số thấp kỷ lục.
Alibaba hiếm khi đưa ra dự báo về thu nhập. Những tiết lộ bất thường này dường như có thể gây tác hại lên giá cổ phiếu Alibaba, vốn đã gặp nhiều bất ổn kể từ sau thương vụ IPO Ant Group năm trước.
Thời điểm cuối năm 2020, kỳ vọng của thị trường đối với tập đoàn lớn chưa từng có nhờ dự đoán về đợt IPO của Ant Group, cũng như việc người tiêu dùng hợp tác thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến.
Một năm sau, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt. Trong báo cáo kết quả kinh doanh, Alibaba đã đưa ra những con số ấn tượng cho đợt lễ hội mua sắm Ngày Độc Thân (11/11). Tổng khối lượng hàng hóa được giao dịch lên tới 84,5 tỷ USD, nhiều hơn năm trước.
Tuy nhiên, thực tế là sự kiện lễ hội mua sắm Ngày Độc Thân năm nay diễn ra trong thời gian dài hơn mùa lễ hội năm ngoái.
Lợi nhuận hoạt động kinh doanh từ mảng thương mại của Alibaba giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự yếu kém trong khâu hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cốt lõi của tập đoàn này.
Alibaba gặp khó trước sự cạnh tranh từ các đối thủ
Vị thế dẫn đầu của tập đoàn trong ngành thương mại điện tử của Alibaba khiến công ty rơi vào tầm ngắm của các nhà quản lý, qua đó tạo điều kiện cho các đối thủ cạnh tranh khác.
Công ty thương mại điện tử số hai Trung Quốc, JD.com đã báo cáo lợi nhuận mảng bán lẻ quý III tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 4, các nhà chức trách Trung Quốc đã phát hiện Alibaba vi phạm luật chống độc quyền bằng cách gây áp lực, buộc người bán trên nền tảng của mình không được kinh doanh với các đối thủ.
Cú vấp ngã của Alibaba ngay lập tức tạo điều kiện để JD.com tận dụng, qua đó chiêu mộ nhiều nhà sản xuất về với nền tảng của mình.
Sự khác nhau giữa hai gã khổng lồ ngành bán lẻ tại nền kinh tế số một thế giới cũng được thể hiện rõ trên sàn chứng khoán. Trong khi giá cổ phiếu Alibaba giảm hơn 10% tại Hong Kong tính đến cuối tuần trước, giá cổ phiếu JD.com lại tăng hơn 9% tại New York trong cùng khoảng thời gian.
Alibaba cũng đang đối mặt với một số vấn đề khác ngoài lĩnh vực thương mại điện tử. Pinduoduo, hiện là nhà bán lẻ trực tuyến số ba Trung Quốc và chủ sở hữu nền tảng TikTok, công ty ByteDance đều đang nhảy vào dịch vụ thanh toán di động, thách thức sự độc quyền của Alibaba và Tencent, gây ra rủi ro cho một trong những nguồn lợi nhuận chính của Alibaba.
Một cạm bẫy tiềm ẩn khác liên quan đến việc livestream của những người nổi tiếng, KOLs, Influencers,… quảng bá sản phẩm từ thị trường trực tuyến của Alibaba.
Không lâu sau Ngày Độc thân, hai người có ảnh hưởng lớn trên nền tảng của Alibaba đã bị cáo buộc trốn thuế vào tuần trước. Cặp đôi này sở hữu hơn 25 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Weibo đối mặt với tổng cộng 14 triệu USD tiền phạt.
Một trong hai người có tên Zhu Chenhui đã bán được gần 4 tỷ nhân dân tệ các sản phẩm trên nền tảng của Alibaba vào năm ngoái. Zhu đã đưa ra lời xin lỗi và nói rằng cô ấy sẽ tạm ngừng việc livestream bán hàng.
Vụ bê bối này có thể gây hại đến danh tiếng cũng như tương lai của chính cô trên thị trường livestream bán hàng, nơi sự nổi tiếng là yếu tố rất quan trọng.
Livestream bán hàng là hình thức kinh doanh có lợi cho cả Alibaba và người bán. Tuy nhiên, các hoạt động liên quan đến thuế trong ngành đang thu hút sự chú ý đối với các cơ quan quản lý. "Trong tương lai, có thể xuất hiện nhiều vụ cáo buộc trốn thuế hơn", một nguồn tin chia sẻ.
Sự thúc đẩy chính sách "Thịnh vượng chung" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tạo ra một môi trường pháp lý thậm chí còn khắt khe hơn đối với Alibaba, tập đoàn vốn đang nhận phải nhiều sự chỉ trích.