Sau 2 năm dồn nén, nhu cầu du lịch hè bùng nổ bất chấp 'bão giá'
Những cuộc trò chuyện về du lịch mùa hè năm nay đã không còn giống như trước. Thay vì nói về những điểm đến với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, du khách giờ đây tập trung hơn vào các chủ đề lạm phát, chi phí nhiên liệu tăng dẫn đến giá vé máy bay và ô tô tăng vọt; hay việc hủy bỏ các chuyến bay và các tình huống khác khiến lịch trình chuyến đi bị thay đổi.
Theo nghiên cứu của công ty phân tích truyền thông xã hội Sprout Social, các cuộc trò chuyện về du lịch trên Twitter giảm 75% trong tháng 5 vừa qua so với tháng 4. Trong khi các chủ đề liên quan giá xăng - một nửa trong số đó là tiêu cực - đã tăng 680% trong những tháng từ mùa đông năm ngoái đến mùa xuân năm nay.
Nhu cầu du lịch tăng cao bất chấp chi phí nhảy vọt
Tuy nhiên, bất chấp những nỗi lo lạm phát và chi phí gia tăng, những người trong ngành cho biết triển vọng du lịch mùa hè năm nay vẫn cho thấy chiều hướng tăng mạnh mẽ. Trong đó, nhiều du khách nói rằng họ lo ngại nhưng không nản lòng về kế hoạch chuyến đi sắp tới của mình.
James Thornton, Giám đốc điều hành của Intrepid Travel, một công ty du lịch có trụ sở tại Melbourne chuyên tổ chức các chuyến du lịch mạo hiểm theo nhóm nhỏ trên toàn cầu, cho biết công ty chưa ghi nhận tỷ lệ hủy tour tăng cao trong mùa hè này.
Ông Thornton chia sẻ: “Trong vài tháng qua, những lo ngại toàn cầu về tình trạng thiếu hụt nguồn cung, các lệnh trừng phạt và tình trạng giá cả tăng đã khiến nền kinh tế đứng trước rủi ro suy thoái. Bất chấp sự gia tăng chi phí, lượng đặt chỗ du lịch đã tăng hơn gấp đôi."
David Mann, nhà kinh tế trưởng tại Viện Kinh tế Mastercard, nhận định giá cao hơn sẽ không ngăn cản nhu cầu của khách du lịch vào mùa hè này, đặc biệt là ở những điểm đến gần đây mở cửa trở lại, chẳng hạn như Châu Á - Thái Bình Dương.
Ông David Mann so sánh: “Giống như một cái nồi áp suất, bạn nhấc nắp lên và hơi nước bốc ra. Khách du lịch dường như đã được giải phóng khi nhu cầu bị dồn nén trong thời gian dài”.
Một cuộc khảo sát mới chỉ ra rằng, mặc dù chi phí gia tăng, người Singapore không sẵn sàng hy sinh kế hoạch du lịch mùa hè của họ. Theo Chỉ số Du lịch Tripadvisor công bố vào tháng năm, 77% người Singapore cho biết họ “cực kỳ” hoặc “rất lo lắng” về chi phí tăng cao, nhưng số người có kế hoạch đi du lịch vào mùa hè này so với mùa trước tăng 40%. Gần 67% người Singapore cho biết họ sẵn sàng chi tiêu ít hơn cho việc ăn uống bên ngoài và mua sắm quần áo để trang trải cho chuyến du lịch của mình.
Ngược lại, khả năng phục hồi du lịch có thể kém mạnh mẽ hơn ở châu Âu và Bắc Mỹ khi nhu cầu dồn nén không đáng kể. Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 3 được công bố trong Báo cáo Chỉ số An ninh Tài chính Quốc gia, gần 23% người Mỹ cho biết sẽ hủy bỏ hoặc tạm dừng kế hoạch đi du lịch để đối phó với lạm phát. Tuy nhiên, số lượng người Mỹ dự kiến sẽ đi du lịch vẫn rất lớn vào mùa hè này.
Theo khảo sát của trang web du lịch The Vacationer, hơn một nửa (55%) người Mỹ nói rằng họ sẽ đi du lịch vào kỳ nghỉ lễ 4/7 - tăng 8% so với khảo sát của năm ngoái.
Người đi du lịch điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với túi tiền
Ông Eric Bamberger, phó chủ tịch cấp cao về khách sạn của công ty công nghệ tiếp thị Zeta Global cho biết: “Nhiều người đang điều chỉnh kế hoạch của họ để đối phó với việc tăng giá và trả các chi phí bổ sung, thay vì hủy bỏ chuyến đi hoàn toàn”. 74% người tiêu dùng Mỹ chủ động tìm kiếm cách đi du lịch tiết kiệm. Gần 25% người Mỹ đang tìm kiếm phương tiện đi lại, khách sạn hoặc điểm đến nghỉ mát rẻ hơn. Nhu cầu đi du lịch nghỉ dưỡng đang tăng lên, trong khi sự quan tâm đến du lịch giáo dục như các chuyến thăm viện bảo tàng, công viên quốc gia giảm hơn 50%.
CEO Expedia, ông Peter Kern, nói với CNBC rằng: "Trong thời gian dịch Covid-19, nhu cầu chi tiêu cho dịch vụ và du lịch ở mức thấp. Vì thế, khi bình thường trở lại, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn".
Ông Kern cũng nói thêm rằng, khi lạm phát bắt đầu ảnh hưởng đến du lịch, du khách có thể thay đổi hoặc hạ một số kỳ vọng của chuyến đi nhưng không hủy bỏ kế hoạch.
Trong khi đó, ông Anthony Capuano, Giám đốc điều hành của Marriott - công ty hoạt động tại gần 140 quốc gia, hiện nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ không chỉ từ khách du lịch giải trí mà còn từ khách du lịch theo nhóm và doanh nhân. Sau hai tháng liên tiếp chứng kiến sự sụt giảm, nhu cầu du lịch đã tăng 365% trong tháng 5.
Mối quan tâm đến du lịch nước ngoài của người Mỹ cũng tăng trong tháng 5, trong đó, xu hướng tìm đến châu Á, châu Âu và Nam Mỹ tăng hơn 200% so với tháng trước.