Ban điều hành Tập đoàn FLC có thêm thành viên mới
Theo nghị quyết của HĐQT, bà Trần Thị Hương chịu sự quản lý trực tiếp của Tổng Giám đốc, có trách nhiệm tham mưu, giúp việc cho Tổng Giám đốc trong lĩnh vực được giao và được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp, các chế độ khác theo quy định của Công ty và pháp luật hiện hành.
Bà Trần Thị Hương sinh năm 1983, là Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Northumbria (Vương quốc Anh), Cử nhân Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Ngoại thương, Hà Nội. Trước khi đảm nhận vai trò mới, tân Phó Tổng Giám đốc của FLC từng nắm giữ vị trí quản lý cấp cao trong nhiều doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán, giáo dục như Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Kinh doanh phát triển Bất động sản FLCHomes; Giám đốc Nhân sự CTCP Phát triển và Đầu tư Đô thị Việt Hưng; Trưởng ban Nhân sự Tập đoàn FLC…
Phát biểu tại lễ bổ nhiệm, ông Lê Bá Nguyên, Chủ tịch HĐQT FLC bày tỏ mong muốn bà Trần Thị Hương sẽ có những đóng góp trong việc kiện toàn bộ máy điều hành của FLC; thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp theo các mục tiêu, chiến lược đặt ra.
Trước đó, vào đầu tháng 10, FLC đã chính thức bổ nhiệm hai Phó TGĐ mới là ông Nguyễn Chí Công và ông Lê Doãn Linh. Với sự góp mặt của bà Hương, ban điều hành của FLC hiện gồm 9 thành viên, trong đó bà Bùi Hải Huyền là Tổng giám đốc còn lại là 8 Phó Tổng giám đốc.
Vào ngày 14/12 vừa qua, HĐQT FLC đã có quyết định hủy danh sách người sở hữu chứng khoán do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã lập vào ngày 4/11 để thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 theo nghị quyết ngày 15/10. Lý do được tập đoàn đưa ra là do công ty này chưa đủ điều kiện để tiến hành cuộc họp theo quy định.
Đồng thời, FLC có quyết định triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường. Ngày đăng ký cuối cùng là 4/1/2023, thời gian tổ chức sẽ được thông báo sau. Tại đây, cổ đông FLC sẽ thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT với ông Đặng Tất Thắng, bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026 cùng với các nội dung khác thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông.
Tính tới thời điểm hiện tại, FLC vẫn chưa hoàn tất báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, FLC ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 431 tỷ đồng, giảm 70% so với quý III/2021. Giá vốn cũng giảm xuống 525 tỷ đồng, lợi nhuận gộp âm 96 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm 93% xuống còn 17,8 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi tiền gửi, tiền cho vay và doanh thu tài chính khác.
Kết quả, FLC lỗ ròng 785 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 14,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Trong đó công ty mẹ lỗ 782 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, FLC ghi nhận doanh thu thuần 2.090 tỷ đồng, giảm 63% và lỗ ròng 1.891 tỷ đồng, trong khi 9 tháng 2021 lãi hơn 69 tỷ đồng.
Thông tin từ FLC cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu trong năm 2022 gần 27.000 tỷ đồng, với lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu doanh thu lớn nhất thuộc về lĩnh vực bất động sản, với mục tiêu hơn 18 ngàn tỷ đồng; chiếm hơn 67% tổng doanh thu. Các lĩnh vực thương mại, sản xuất, du lịch và các dịch vụ khác dự tính đóng góp gần 33% doanh thu.