FLC tiếp tục hoãn ĐHĐCĐ thường niên, bị cưỡng chế 76 tỷ đồng tiền thuế

Trang Nguyễn 18:11 | 16/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) sẽ không tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022, song sẽ chốt danh sách họp ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 4/1/2023. Cùng lúc đó, FLC đã nhận quyết định cưỡng chế thuế với số tiền 76 tỷ đồng.

Cụ thể, FLC vừa công bố Nghị quyết ngày 14/12 của HĐQT về việc triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông tham dự là 4/1/2023. 

Theo FLC, nội dung chính của cuộc họp này là miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Đặng Tất Thắng, đồng thời bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026 cùng các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ. 

Trước đó, ngày 15/10, FLC đã ra Nghị quyết triệu tập ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, với ngày chốt danh sách cổ đông tham dự là 4/11. Tuy nhiên, ngày 14/12, doanh nghiệp đã huỷ danh sách này. Lý do được đưa ra là FLC chưa đủ điều kiện tiến hành cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên theo quy định. 

Bên cạnh đó, vào cuối tháng 7, ông Đặng Tất Thắng đã nộp đơn xin thôi làm Chủ tịch, Tổng Giám đốc của Bamboo Airways cũng như vai trò Phó chủ tịch FLC với lý do cá nhân. Ông Thắng được bổ nhiệm làm Chủ tịch FLC và Bamboo Airways sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt hồi cuối tháng 3.

Ở một diễn biến khác, theo công bố ngày 15/12, FLC đã nhận 16 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế Thành phố Hà Nội. Tổng số tiền bị cưỡng chế là hơn 76 tỷ đồng, do FLC có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý Thuế. 

Theo công bố, cơ quan thuế sẽ thi hành quyết định bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của FLC mở tại các ngân hàng Agribank, BAOVIET Bank, VietinBank, PVcomBank, BIDV, MSB, Techcombank, Vietcombank, MBBank, NCB, TPBank, VPBank, PG Bank, OCB, VIB và Standard Chartered. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, trong quý III, FLC ghi nhận doanh thu thuần đạt 431 tỷ đồng, giảm 70% so với quý III/2021. Giá vốn cũng giảm xuống 525 tỷ đồng, lợi nhuận gộp âm 96 tỷ đồng, giảm 774 tỷ đồng, tương đương 60%. Doanh thu hoạt động tài chính giảm 93% xuống còn 17,8 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi tiền gửi, tiền cho vay và doanh thu tài chính khác.

Trừ các chi phí, doanh nghiệp âm 787 tỷ đồng trước thuế và lỗ ròng 785 tỷ đồng, giảm mạnh 14.1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó công ty mẹ lỗ 782 tỷ đồng. Đây đã là quý III lỗ liên tiếp của FLC.

Luỹ kế 9 tháng, FLC ghi nhận doanh thu thuần 2.090 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ và lỗ ròng 1.891 tỷ đồng.

 

Tính đến 30/9, FLC có tổng tài sản 36.216 tỷ đồng, tăng 7% từ đầu năm. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt 269 tỷ đồng, bao gồm: 12 tỷ đồng tiền mặt tại quỹ, 245 tỷ đồng gửi ngân hàng không kỳ hạn, 496 triệu đồng tiền đang chuyển, hơn 1 tỷ đồng các khoản tương đương tiền và 20 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng).

FLC ghi nhận tổng nghĩa vụ nợ 28.271 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 20.180 tỷ đồng. Đáng chú ý là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 2.035 tỷ đồng đầu năm lên 3.195 tỷ đồng cuối kỳ, chủ yếu FLC vay nợ các ngân hàng thương mại. Khoản người mua trả tiền trước 7.149 tỷ đồng, phải trả ngắn hạn khác hơn 5.643 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm từ 4.169 tỷ đồng đầu năm xuống còn 1.822 tỷ đồng hết quý. Vốn chủ sở hữu đến 30/9 là 7.945 tỷ đồng.

Về lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ kinh doanh tăng lên 3.793 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư hiện âm 2.532 tỷ đồng do doanh nghiệp chi hơn 1.718 tỷ đồng cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác. Dòng tiền tài chính âm 1.189 tỷ đồng do FLC chi hơn 4.583 tỷ đồng trả nợ gốc vay và 15 tỷ đồng trả nợ gốc thuê tài chính. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận dương 73 tỷ đồng.