Bảo hiểm thất nghiệp 2021: Mở rộng đối tượng, mức bảo hiểm tối đa lên tới 22 triệu đồng/tháng

15:44 | 09/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dự kiến, bảo hiểm thất nghiệp 2021 được mở rộng đối tượng, với mức bảo hiểm tối đa có thể lên tới 22 triệu đồng/tháng...
Dự kiến mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là nội dung nổi bật tại Quyết định 2269/QĐ-TTg ngày 31/ 12/ 2020 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (Đề án).
 
 
Bảo hiểm thất nghiệp 2021: Mở rộng đối tượng, mức bảo hiểm tối đa lên tới 22 triệu đồng/tháng - ảnh 1
Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp được mở rộng
 
Theo đó, để hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, Đề án đề ra các nhiệm vụ, giải pháp sau:  Sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia và các chế độ, gắn bảo hiểm thất nghiệp với các chính sách về việc làm, quản trị thị trường lao động, thông tin, dự báo thị trường lao động và BHXH; Rà soát, hoàn thiện, đồng bộ các chính sách về lao động, việc làm, đào tạo, tiền lương, BHXH,... để có sự liên kết chặt chẽ, nâng cao hiệu quả của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
 
Hàng năm tổ chức đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, từ đó đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung kịp thời; Đổi mới theo hướng gắn kết các hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm hướng tới hình thành một hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm thống nhất; Tăng cường công tác phối hợp, thống nhất trong tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan tại Trung ương cũng như tại địa phương..
 

Gần 1,1 triệu người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020

 
Hội thảo "Đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động từng làm việc trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19" diễn ra sáng 6/1/2021 tại TP.HCM đã đưa ra con số: Gần 1,1 triệu người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020.
Ông Tào Bằng Huy - phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) - cho biết trong năm 2020 đại dịch COVID-19 làm 31,8 triệu người ở Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực như mất việc, giảm giờ làm...
 
Ước tính 17,6 triệu người bị giảm thu nhập. Thu nhập bình quân của lao động phi chính thức là 5,5 triệu đồng, thấp hơn 1,5 lần của lao động chính thức. Tỉ lệ lao động trong lĩnh vực dịch vụ chịu tác động tiêu cực là 68,9%; ở lĩnh công nghiệp và xây dựng là 66,4%; nông lâm nghiệp, thủy sản là 27%.
 
Bài toán cho năm 2021 cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động. Trong đó các biện pháp sẽ tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp, chú trọng xây dựng các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng, tăng cường đào tạo trực tuyến...
 
 
Bảo hiểm thất nghiệp 2021: Mở rộng đối tượng, mức bảo hiểm tối đa lên tới 22 triệu đồng/tháng - ảnh 2
 Những người đến xin trợ cấp thất nghiệp đều phải điền rõ thông tin vào đơn.
 
Ông Huy đưa ra số liệu đến giữa tháng 12-2020, số người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 1,096 triệu, tăng 32,3% so với năm 2019. Bình quân mỗi tháng có gần 92.000 người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp.
 
Theo ông Huy, đại dịch cũng làm xuất hiện một số ngành nghề mới. Nhiều doanh nghiệp cũng phải tái cơ cấu nguồn nhân lực để thích ứng với điều kiện thay đổi. Vì vậy, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại rất lớn.
 
Cũng tại Hội thảo, ông Huy đưa ra hai kịch bản cho năm 2021. Kịch bản thứ nhất, Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt được dịch COVID-19 và các nước trên thế giới cũng kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam mở cửa trở lại.
 
Khi đó, số người mất việc sẽ rơi vào 30.000 - 40.000 người/tháng. Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, đặc biệt ở các nhóm kinh doanh - thương mại, dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng, chế biến lương thực thực phẩm, điện tử điện lạnh…
 
Kịch bản thứ hai là Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam còn mở cửa dè dặt.
 
Khi đó, số lượng mất việc làm ước khoảng 50.000 - 60.000 người/tháng, tập trung chính ở các lĩnh vực sản xuất, dệt may da giày, điện - điện tử. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường chỉ giảm 8-9%, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể 55-65%.
 
Dù vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động mặc dù có giảm nhưng không bị đóng băng hoàn toàn như nhiều nước.
 

Hàng tháng người lao động đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp

 
Theo tờ Lao động, hàng tháng người lao động đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức:
 
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
 
Nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
 
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
 
Theo đó, công thức tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng như sau:
 
Mức hưởng trợ cấp hàng tháng =60%x Mức bình quân tiền lương của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp
 
Cũng theo quy định trên, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa hàng tháng năm 2021 với mỗi người lao động được tính như sau:
 
Trường hợp thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định
 
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở.
 
Mức lương cơ sở năm 2021 là 1,49 triệu đồng/tháng theo quy định tại Nghị định số 38 năm 2019 của Chính phủ nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5,0 x 1,49 triệu đồng/tháng = 7,45 triệu đồng/tháng.
 
Trường hợp thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định
 
Với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức hưởng không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng.
 
Trong đó, căn cứ phương án đã trình Chính phủ xem xét, quyết định có nhiều khả năng lương tối thiểu vùng năm 2021 vẫn giữ nguyên như năm 2020 và thực hiện theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
 
Vậy, mức lương tối thiểu vùng năm 2021 tương ứng với số tiền bảo hiểm thất nghiệp được nhận như sau:
 
Vùng I: Mức lương tối thiểu là 4,42 triệu đồng/tháng; Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 22,1 triệu đồng/tháng.
 
Vùng II: Mức lương tối thiểu là 3,92 triệu đồng/tháng; Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 19,6 triệu đồng/tháng.
 
Vùng III: Mức lương tối thiểu là 3,43 triệu đồng/tháng; Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 17,15 triệu đồng/tháng.
 
Vùng IV: 3,07 triệu đồng/tháng; Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 15,35 triệu đồng/tháng.
 
Như vậy, người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể được nhận tiền trợ cấp đến hơn 22 triệu đồng/tháng vào năm 2021.
 
Minh Hoa