Bảo lãnh thông quan - cơ hội cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
21:34 | 06/06/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Bảo lãnh thông quan là một mô hình quản lý hoàn toàn mới tại Việt Nam, nhưng ở nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, khu vực châu Âu bảo lãnh thông quan đã được mở rộng và phát triển thành một công cụ hữu hiệu trong tạo thuận lợi thương mại xuất nhập khẩu.
Thực hiện Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020”, Tổng cục Hải quan đang triển khai các bước trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm cơ chế Bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đây là mô hình hoàn toàn mới tại Việt Nam và sẽ có tác động tích cực đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, bảo lãnh thông quan là hình thức cam kết bảo lãnh về mặt tài chính mà cơ quan hải quan yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định, nhưng mong muốn được giải phóng hàng hóa, thông quan hàng hóa.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, bảo lãnh thông quan sẽ là một giải pháp tạo thuận lợi thương mại hàng hóa quốc tế, thông quan nhanh chóng. Trong đó việc áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan của một số nước phát triển trên thế giới như: Mỹ, Canada, Nhật Bản… sẽ là công cụ giúp cho cơ quan Hải quan nâng cao năng lực quản lý, nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, giúp cho hàng hóa được thông quan nhanh chóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần mở rộng loại hình kinh doanh bảo hiểm.
Bên cạnh đó, bảo lãnh thông quan còn giúp doanh nghiệp có thêm sự lựa chọn về nghĩa vụ nộp thuế. Nếu như trước đây, muốn bảo lãnh tiền thuế, doanh nghiệp chỉ có sự bảo lãnh duy nhất từ ngân hàng thương mại thì bây giờ doanh nghiệp có thể lựa chọn tổ chức bảo hiểm.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đào Duy Tám, Trưởng phòng thuộc Cục giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho biết: Trong quy trình thủ tục thông quan hiện nay về cơ bản cơ quan hải quan đã đưa ra một quy trình minh bạch quy định cụ thể các bước. Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục hải quan hiện nay còn liên quan đến nhiều quy định của các bộ ngành cũng như các văn bản pháp luật hiện đang có hiệu lực thi hành. Do đó, với trách nhiệm là đơn vị đầu mối trong việc triển khai cơ chế một của quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành thì Tổng cục Hải quan luôn đưa ra các đề xuất, giải pháp để đảm bảo cắt giảm hơn nữa thời gian thông quan hàng hóa, giảm thời gian giao dịch thương mại qua biên giới để hướng tới các mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm nước ASEAN có chỉ số năng lực cạnh tranh cao.
Trong đó, việc áp dụng đề án bảo lãnh thông quan nhằm hướng tới việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể lựa chọn các hình thức tổ chức tín dụng bảo lãnh có mức chi phí thấp hơn hoặc chuyển các kiểm tra nhà nước chuyên ngành từ khâu trước thông quan sang sau thông quan để hạn chế mức độ rủi ro cho cơ quan quản lý nhà nước nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng của hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, thông qua các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đã được Bộ Tài chính công nhận cơ quan hải quan sẽ phối hợp để chuyển các thông tin rủi ro cho các doanh nghiệp trong đó có vấn đề đứng ra quản lý theo dõi xuất nhập khẩu của doanh nghiệp để đưa ra các cơ chế bảo lãnh thông quan phù hợp trên cơ sở số tiền thuế cũng như nội dung do doanh nghiệp tư kê khai.
Mặt khác, theo ông Tám, để việc bảo lãnh thông quan được triển khai thực tế, thì do đây là một mô hình mới được áp dụng tại Việt Nam và để triển khai được hệ thống này thì cần sửa đổi một số loại quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Hải quan. Luật Quản lý thuế và một số quy định pháp luật khác. Hiện nay Tổng cục Hải quan đang rà soát toàn bộ hệ thống quy định, văn bản pháp luật có liên quan đến hệ thống này đồng thời sẽ có kiến nghị để sửa đổi bổ sung trong thời gian tới.
Theo thông tin từ cơ quan soạn thảo, sau khi nghị quyết Bảo lãnh thông quan được Quốc hội thông qua (dự kiến vào năm 2020), sẽ được thực hiện làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (năm 2021 - 2022) sẽ lựa chọn áp dụng bảo lãnh nộp thuế với hàng kinh doanh, hàng quá cảnh, hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, bảo lãnh cho việc chậm nộp chứng nhận xuất xứ, bảo lãnh cho việc đưa hàng hóa về bảo quản.
Giai đoạn 2 (mở rộng năm 2022 - 2023) áp dụng đối với các loại hình tạm nhập tái xuất (hội chợ triển lãm, sửa chữa bảo dưỡng, bảo hành; thi công công trình…); bảo lãnh cho đưa về bảo quản để chờ cấp giấy phép nhập khẩu của các bộ, ngành; bảo lãnh trong các trường hợp có tranh chấp trong việc áp dụng chính sách quản lý, chính sách thuế giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN. Giai đoạn 3, chính thức áp dụng từ năm 2024.