Cải cách hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho biết, ngành hải quan coi cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Qua đó, tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, ngành đã có nhiều giải pháp; trong đó, đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022...
Cùng với đó, ngành hải quan cũng thực thi các giải pháp cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính như kiểm soát thủ tục hành chính, đảm bảo không ban hành thủ tục hành chính mới khi không cần thiết. Đồng thời, rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành, tập trung nghiên cứu giảm thời gian, hồ sơ, giấy tờ, chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, những bước cải cách trong kiểm tra chuyên ngành đã hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu ‐ một trong những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, mỗi năm Việt Nam có tới 13 ‐ 14 triệu tờ khai xuất nhập khẩu và khoảng 20 ‐ 21 triệu tờ khai thương mại điện tử. Khối lượng công việc khổng lồ đó ngày càng trở thành nhiệm vụ nặng nề của cơ quan hải quan, trong bối cảnh cần tạo thuận lợi thông quan hàng hoá, thúc đẩy thương mại phát triển.
Từ năm 2018 đến nay, qua 5 đợt rà soát các quy định pháp lý về kiểm tra chuyên ngành cho thấy, số lượng hàng hoá kiểm tra chuyên ngành đã giảm đáng kể, tỷ lệ tờ khai phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành giảm từ 30% năm 2015 giảm xuống còn 19% vào năm 2022. Việc cắt giảm thủ tục cũng được thực hiện tối đa để giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Đơn cử như trong lĩnh vực thực phẩm, nếu năm 2019 có tới 1.446 mã HS (mã số phân loại hàng hóa) thì đến năm 2021 giảm chỉ còn 1.015 mã và tiếp tục cắt giảm còn 445 mã vào năm 2022.
Theo ông Nguyễn Bắc Hải, Phó Cục trưởng Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là một trong những hoạt động đã mang lại nhiều kết quả nổi bật của ngành hải quan nhằm hiện thực hóa mục tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ.
Đơn cử như Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh có tất cả các loại hình xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như các hình thức vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh (trừ vận chuyển bằng đường sắt quốc tế) với cảng biển lớn nhất nước là cảng Cát Lái và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Mỗi năm thành phố làm thủ tục thông quan hàng hóa trung bình chiếm khoảng 40% và số thu chiếm khoảng 1/3 toàn ngành.
Do đó, với mục tiêu “giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng”, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và triển khai đến các đơn vị trực thuộc nội dung cũng như kế hoạch chi tiết các hoạt động cải cách, phát triển và hiện đại hóa trọng tâm năm 2023. Kết quả, đối với hàng nhập khẩu, thời gian trung bình từ lúc đăng ký tờ khai đến khi thông quan, giải phóng hàng giảm 3 giờ 38 phút; đối với hàng xuất khẩu giảm 40 giờ 10 phút.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cơ quan hải quan đã có những bước cải cách hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu và đây là một trong những động lực phát triển kinh tế. Mục tiêu cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy hiệu quả và sự hài lòng làm thước đo đánh giả chất lượng phục vụ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi.... Đó chính là đòn bẩy tạo thuận lợi cho doanh nghiệp góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút "làn sóng" đầu tư.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì vẫn còn những khó khăn mà ngành hải quan phải đối mặt khi thực hiện công cuộc cải cách. Ông Claudio Dordi - Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại, do USAID tài trợ cho rằng, thách thức với ngành hải quan khi sự phát triển về thương mại điện tử, sự gia tăng của kim ngạch xuất nhập khẩu, khối lượng công việc của cơ quan hải quan ngày càng tăng. Cơ quan hải quan phải áp dụng các hình thức quản lý mới nhằm ngăn chặn gian lận thương mại ngày càng tinh vi những cũng phải tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật...
Theo ông Claudio Dordi, chủ trương tạo thuận lợi thương mại nghe thì dễ nhưng để triển khai trong thực tế rất khó, vì các bộ, ngành là đơn vị ban hành chính sách, còn hải quan chỉ là đơn vị thực thi chính sách. Phía hải quan đã chủ động hiện đại hoá, đơn giản hoá quy trình làm việc nhưng có rất nhiều quy định, quy chế ràng buộc. Việc tiếp theo cần làm vẫn là tích cực rà soát, cắt giảm, bãi bỏ các quy định chồng chéo giữa các bộ, ngành và trong từng bộ, ngành; có cơ chế để giải quyết các vướng mắc phát sinh nhanh chóng, tránh kéo dài thời gian, gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Để thực hiện các mục tiêu cải cách kiểm tra chuyên ngành đã được Chính phủ giao, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; hoàn thiện Hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình mới. Đồng thời, theo dõi bám sát tình hình triển khai thực hiện các quy định pháp lý tại các Luật, Nghị quyết, Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn liên quan theo từng nhóm các mặt hàng cụ thể.
Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn vướng mắc, bất cập, gây kéo dài thời gian, tăng chi phí cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Từ đó, kiến nghị các đơn vị chuyên môn thuộc các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành.