BĐS 2021: Ba xu hướng đầu tư và những thay đổi quan trọng về điều kiện kinh doanh

13:31 | 21/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
2021 là năm có thay đổi quan trọng về điều kiện kinh doanh bất động sản và hiện xuất hiện ba xu hướng đầu tư để thích ứng.

Những nhân tố tác động đến thị trường


Theo cafef.vn, các chuyên gia cho rằng, bước sang năm 2021, những nhân tố tác động tiêu cực đến thị trường BĐS năm 2020 sẽ vẫn còn đó. Tuy nhiên, do ổn định về tâm lý và chuẩn bị các kịch bản thích ứng nên thị trường được dự báo sẽ đi theo chiều hướng tích cực hơn.
 
 
BĐS  2021: Ba xu hướng đầu tư và những thay đổi quan trọng về điều kiện kinh doanh - ảnh 1
Thị trường BĐS được dự báo sẽ đi theo chiều hướng tích cực hơn.
 
Chia sẻ trên báo chí, LS Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư Tp.HCM chỉ ra ba xu hướng đầu tư BĐS trong năm 2021.
 
Thứ nhất, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, một số nhà đầu tư cũ sẽ rời khỏi thị trường, cơ cấu thu hẹp đầu tư. Thị trường cũng sẽ xuất hiện những nhà đầu tư mới, nhà đầu tư còn tiềm lực, những người mua nhà với một mức giá hợp lý để sử dụng. Quá trình thay thế nhà đầu tư này sẽ liên tục diễn ra, nhưng dự báo số lượng sẽ không nhiều trong năm 2021. Mặt khác, năm 2021 cũng khó xảy ra kịch bản thị trường sốt vì nội tại thị trường trước hết cần có sự thay thế những nhà đầu tư cũ.
 
Thứ hai, những dự án có pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín, vị trí tốt vẫn có tình trạng cháy hàng vì những dự án này phản ánh đúng nhu cầu và có giá trị trong sử dụng để ở. Tại những điểm sốt này, nhà đầu tư bình thường có thể cảm thấy mâu thuẫn nhưng những nhà đầu tư am hiểu quy luật thị trường sẽ nắm rõ nguyên tắc. Do vậy, dù thị trường không sôi động, họ vẫn săn đón các dự án này bởi mức độ an toàn, mức sinh lợi chắc chắn không phụ thuộc vào tình hình thị trường.
 
Thứ ba, với nhà đầu tư lướt sóng thì thời điểm và tính nhạy bén luôn là giá trị. Đánh giá mang tính cảm tính sẽ quyết định trong đầu tư nhưng cần tránh việc quá tự tin luôn cho mình đúng sau vài lần lướt sóng. Với nhà đầu tư lâu dài, yếu tố vững chắc và lâu dài nên tìm đến những sản phẩm có pháp lý vững chắc, giao dịch truy đến nguồn gốc bất động sản và đặc điểm sản phẩm đó phải khác biệt để tạo nhiều lợi nhuận tích lũy trong thời gian đầu tư.
 
Còn theo ông Phan Công Chánh, Chuyên gia BĐS cá nhân, xét về lâu dài, BĐS vẫn là kênh trú ẩn an toàn và tạo ra nhiều lợi nhuận nhất. Đặc biệt, khi thị trường BĐS đã bước vào một chu kỳ ổn định và tăng trưởng nhiều lần so với dự kiến thì việc người dân quan tâm sử dụng tiền để sinh lời là một nhu cầu rất thiết yếu. Mặt khác, rủi ro trong đầu tư BĐS tuy có nhưng vẫn là một kênh đầu tư khá bền vững và ổn định so với những kênh khác. Rõ ràng về lâu dài, nhà đầu tư vẫn muốn có trong tay một số BĐS.
 
Vị chuyên gia này chỉ ra 4 yếu tố nhà đầu tư cần lưu ý khi tham gia vào thị trường BĐS trong năm 2021.
 
 
Thứ nhất, đó là vấn đề về pháp lý. Nên đầu tư khi pháp lý đã hoàn chỉnh và tại dự án của các công ty đã khẳng định được uy tín trên thị trường.
 
Thứ hai, kỳ vọng của nhà đầu tư phải là kỳ vọng dài hạn, chứ trong giai đoạn này thì không thể ngắn hạn được.
 
Thứ ba, là giá trị nội tại của bất động sản, được thể hiện bởi các chỉ số hiện tại chứ không phải chỉ số tương lai như mật độ dân cư, trường học, bệnh viện,...
 
Thứ tư là về vốn. Tôi cho rằng giai đoạn này của các nhà đầu tư cá nhân không nên sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều. Tỷ lệ lý tưởng tôi nghĩ là 50% nhưng ở giai đoạn này thì nên dùng ở mức khoảng 30%.
 
Cũng lưu ý NĐT cá nhân tham gia thị trường BĐS năm 2021, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, đầu tiên, vẫn là câu chuyện pháp lý dự án. Trong bối cảnh thị trường đang có sự tăng trưởng khá nóng, nhiều dự án muốn tranh thủ làn sóng này để tung hoành nên phải giải quyết nhanh gọn đầu ra, trong đó có cả những dự án chưa hoàn thiện pháp lý. Khi mà các nhà đầu tư xác định không thể có đủ điều kiện pháp lý và không thể đưa ra thị trường thì giá trị bất động sản sẽ tụt rất thê thảm.
 
Tiếp theo, NĐT phải xem xét mức giá của BĐS muốn đầu tư, so sánh lịch sử gần nhất của nó trong giai đoạn vừa trải qua xem giá như thế nào. Nếu như giá nhỉnh ở mức độ vài phần trăm thì cũng có thể coi là xu thế đang tăng. Thế nhưng nếu biên độ tăng quá lớn, tỉ lệ lên đến vài chục phần trăm thì phải cân nhắc trước khi tham gia. Vì rõ ràng khi tăng trưởng kinh tế giảm xuống thì thu nhập của người dân cũng giảm, nhưng bất động sản lại có chiều hướng tăng giá. Điều này không đúng với bản chất của quy luật thị trường. Có rất nhiều khả năng giá sẽ sụp đổ trong giai đoạn ngắn nếu giá đó không thực chất.
 
Cuối cùng là vấn đề chất lượng của BĐS. Ví dụ như chất lượng tương lai, uy tín thương hiệu, vị trí địa lý, chất lượng hạ tầng, dịch vụ, kết nối giao thông, kết nối vùng, kết nối các khu vực kinh tế và các khu vực đã hoàn thiện về hạ tầng... Nếu những điều kiện này tốt thì yên tâm, còn nếu BĐS ấy đang "lẻ bóng", một mình chạy một kiểu thì khả năng giao dịch chủ yếu ảo.
 
Luật Đầu tư 2020 với nhiều thay đổi quan trọng trong điều kiện kinh doanh BĐS
 
 
BĐS  2021: Ba xu hướng đầu tư và những thay đổi quan trọng về điều kiện kinh doanh - ảnh 2
Luật Đầu tư 2020 với nhiều thay đổi quan trọng trong điều kiện kinh doanh BĐS
 
 
Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực từ 1.1.2021) tác động sửa đổi vài điểm đáng lưu ý trong Luật kinh doanh bất động sản 2014. Trong đó, Luật sửa đổi về điều kiện kinh doanh bất động sản như sau:
 
Theo Khoản 1 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 ghi rõ: "Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỉ đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này".
 
Trong đó Khoản 2 quy định: "Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật."
 
Nhưng Luật Đầu tư 2020 đã thay đổi như sau:
 
"Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”
 
Như vậy, Luật đã bỏ đi điều kiện "có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỉ đồng". Điều kiện còn lại chỉ là tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản chỉ phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên).
 
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2020 cũng thay đổi về thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản. Cụ thể tại Điều 50 quy định:
 
- Đối với dự án bất động sản được chấp thuận nhà đầu tư hoặc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, thẩm quyền, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.
 
- Đối với dự án bất động sản không thuộc trường hợp quy định như trên, thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản thực hiện như sau:
 
+ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đối với dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc đầu tư
 
+ Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư.
 
Minh Hoa