Bộ Công Thương tính hạn chế xuất khẩu một số loại thép trong nước có nhu cầu

10:28 | 14/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước tình trạng giá thép tăng chóng mặt trong thời gian qua, Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ kiểm soát xuất khẩu với các loại thép mà trong nước đang có nhu cầu.

Tại cuộc họp về công tác điều hành giá năm 2021, Đại diện Bộ Công thương cho biết, trước tình trạng giá thép tăng phi mã trong thời gian qua, Bộ này đã yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.

Thông tin thêm, đại diện Bộ Công Thương cho biết, ngày 11/5, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2612/BCT-CN gửi Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp, các nhà sản xuất thép lớn trong nước đề nghị Hiệp hội rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Hiệp hội Thép thực hiện việc rà soát các đại lý phân phối trong việc cung cấp hàng đến các hộ tiêu thụ, người tiêu dùng, tránh các hiện tượng găm hàng, đẩy giá và cạnh tranh không lành mạnh. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu có các khó khăn, vướng mắc đề nghị kiến nghị cụ thể với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Bộ Công Thương tính hạn chế xuất khẩu thép

Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ hạn chế xuất khẩu 1 số loại thép trong nước đang có nhu cầu

Theo Đại diện Bộ Công thương việc giá thép tăng đột biến trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà tăng trên toàn thế giới. Do các nhà máy sản xuất thép trong nước phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu trên thế giới, cho nên việc giá thép tăng là điều không thể tránh khỏi.

Trước tình trạng trên, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.

Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan đánh giá tác động của dịch COVID-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng.

Tập trung đánh giá về số lượng dự án, hợp đồng xây dựng bị ảnh hưởng (phân định theo từng hình thức giá hợp đồng) và giá trị bị ảnh hưởng của từng dự án, hợp đồng xây dựng.

Dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án.

Ghi nhận từ đầu năm đến nay, giá thép có chuỗi tăng chưa từng thấy, nếu như ở thời điểm đầu năm 2020, giá thép xây dựng chỉ dao động ở mức 11.000 - 12.000 đồng/kg thì đến cuối năm 2020 đã tăng lên khoảng 15.000 đồng/kg, đến đầu tháng 5/2021 vượt mốc 18.000 đồng/kg và đến nay đã ở mốc 20.000 đồng/kg.

Báo cáo về tình hình thị trường thép tháng 3 của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, giá thép có thể tăng đến hết quý 3 năm nay trước những diễn biến khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và Ấn Độ.

H.A

Xem thêm: Thép vẫn giữ nguyên mức giá cao trong nhiều ngày liên tiếp