Bộ GTVT: Việc hỗ trợ hàng không tư nhân phải bình đẳng nhưng cần xét nhiều yếu tố

17:20 | 03/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông trực tiếp trả lời về vấn đề hỗ trợ ngành hàng không tại buổi họp báo Chính phủ thường kì tháng 11/2020 diễn ra chiều 2/11.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhận được câu hỏi về việc Chính phủ có cho các hãng hàng không tư nhân như Vietjet, Bamboo vay ưu đãi hay không, sau khi Vietnam Airlines được hỗ trợ về tài chính.

Trả lời, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết các hãng bay được hỗ trợ một cách bình đẳng sau khi chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
 
Bộ GTVT: Việc hỗ trợ hàng không tư nhân phải bình đẳng nhưng cần xét nhiều yếu tố - ảnh 1
Vietjet, Bamboo có được vay ưu đãi hay không, sau khi Vietnam Airlines được hỗ trợ về tài chính?

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông từ khi dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải nói chung, không riêng ngành hàng không, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành, thực hiện chủ trương của Chính phủ đưa ra một số quyết sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải thông qua việc giảm phí mặt đất, giảm thuế nhiên liệu bay… và việc này đối xử bình đẳng không phân biệt hãng hàng không nào.

Bình đẳng, nhưng ông Đông nhấn mạnh Vietnam Airlines có sự khác biệt so với các hãng bay tư nhân do có vốn Nhà nước.

"VNA là hãng hàng không quốc gia có vốn của Nhà nước, do đó Nhà nước cần bảo toàn nguồn vốn này sau khi hãng bị tác động nặng nề do đại dịch. Còn với đề xuất của các hãng hàng không tư nhân, còn cần phải làm rõ là vốn của các hãng hàng không này ở đâu và hỗ trợ theo phương thức nào", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
 
Bộ GTVT: Việc hỗ trợ hàng không tư nhân phải bình đẳng nhưng cần xét nhiều yếu tố - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời báo chí. Ảnh: VGP

Hiện tại, Chính phủ là chủ sở hữu 86% vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines. Quốc hội mới cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho hãng bay này vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sau khi Vietnam Airlines được Chính phủ hỗ trợ vốn vay, các hãng hàng không Vietjet Air, Bamboo Airways cũng kiến nghị vay ưu đãi.

Vietjet kiến nghị hỗ trợ nguồn tái cấp vốn cho các hãng hàng không vay hạn mức 4.000 tỷ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong 3-5 năm. Phương án trả nợ và lãi trong năm 2023-2025.

Ngoài ra, phía Vietjet cũng đề xuất các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 được kéo dài đến hết năm 2021 và giảm 3% lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp hàng không.
 
Bộ GTVT: Việc hỗ trợ hàng không tư nhân phải bình đẳng nhưng cần xét nhiều yếu tố - ảnh 3
Chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải được đối xử bình đẳng không phân biệt hãng hàng không nào

Phó tổng giám đốc Bamboo Airways Lê Khắc Hải kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chung cho các hãng chứ không riêng bằng hình thức cho vay tái cấp vốn. Các hãng đi vay trực tiếp từ ngân hàng thương mại với lãi suất 2-3%, thời hạn vay 2-3 năm và đảm bảo bằng tài sản.

Đồng thời, các hãng bay xin hỗ trợ giảm phí cất hạ cánh, điều hành bay, phí nhiên liệu bay đến hết năm 2021.
 
Sau 3 tháng bay, Bamboo Airway lỗ hơn 300 tỷ đồng. Nguồn: Tuổi trẻ
 
Hải Yến