Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Nội hàm mới trong hoạt động kinh tế đối ngoại
Tham luận tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra ngày 14/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu bật những thành tựu của kinh tế đối ngoại thời gian qua, đồng thời đưa ra những nội hàm mới trong hoạt động này.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Đảng ta luôn thực hiện đường lối đối ngoại và kinh tế đối ngoại linh hoạt, sáng tạo để góp phần phát triển kinh tế và xây dựng đất nước.
Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế đối ngoại đã có bước phát triển mạnh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế; ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đàm phán, ký kết và thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương.
Về xuất nhập khẩu, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa từng có của đại dịch COVID- 19, song kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 vẫn đạt trên 545 tỷ USD. Dự báo năm 2021 sẽ vượt mốc 660 tỷ USD và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ rõ 5 nội hàm mới trong thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trong hoạt động kinh tế đối ngoại.
Cụ thể, sự độc lập, tự chủ trong quá trình mở cửa, hội nhập thể hiện trước hết trong xác định đường lối hội nhập nhất quán, trên cơ sở thực lực và bằng tư duy sáng tạo để có chủ trương, chính sách đúng đắn. Điều này nhằm xây dựng tiềm lực kinh tế, khoa học và công nghệ, cơ sở vật chất - kỹ thuật đủ mạnh để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước trong mọi tình huống, vừa bảo đảm cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là năng lực cạnh tranh công nghiệp. Bởi, có năng lực cạnh tranh thì nền kinh tế cũng như doanh nghiệp Việt Nam mới có thể đứng vững và hưởng lợi từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, tiếp tục xây dựng, củng cố tạo môi trường đối ngoại ổn định, thiết lập và duy trì các quan hệ kinh tế, thương mại trên bình diện song phương và đa phương để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế; chủ động tranh thủ vốn, kinh nghiệm quản lý, khoa học công nghệ và thị trường quốc tế để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Mặt khác, tích cực tham gia vào các khuôn khổ quốc tế để tác động, thiết lập, củng cố các quy tắc, luật lệ về kinh tế thương mại có lợi hoặc ít nhất là hạn chế các tác động bất lợi cho Việt Nam trong các khuôn khổ kinh tế, thương mại song phương và đa phương.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề cập đến những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đề xuất. Theo đó, Bộ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng về kinh tế đối ngoại, bảo đảm phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế. Đồng thời, khẩn trương xây dựng chiến lược mới về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia có chọn lọc các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hóa chất, chế tạo, chế biến, điện tử và hình thành các doanh nghiệp công nghiệp mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bộ cũng chú trọng phát triển một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế như công nghệ xanh, các phương tiện sử dụng năng lượng mới, công nghiệp điện tử với hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp sinh hóa và dược phẩm…
Đặc biệt, đề cao vai trò của doanh nghiệp, xác định rõ doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm các hoạt động kinh tế đối ngoại thông qua việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong mọi tình huống.
Hơn nữa, Bộ cũng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và sản xuất, xuất- nhập khẩu hàng hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh nhiệm vụ định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để tiếp cận công nghệ tiên tiến, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Điều này thay đổi tầm nhìn và kỹ năng lao động, từ đó giúp doanh nghiệp và người lao động Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường trong nước và quốc tế.
Cùng đó, tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể. Đồng thời, chú trọng giải quyết hài hòa lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích của các nước khác trong quan hệ kinh tế đối ngoại.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra rằng, bên cạnh việc đề cao lợi ích quốc gia-dân tộc, cần nhận diện rõ những điểm chung giữa các quốc gia để chủ động thúc đẩy hợp tác, thúc đẩy định hình các quy tắc, luật lệ chung có lợi cho Việt Nam.
Chẳng hạn, trong phân công lao động quốc tế, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng cao thực lực và vị thế của đất nước một cách bền vững nhất.
Theo Bộ trưởng, cần chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ cho các cơ quan, đội ngũ cán bộ, công chức liên quan đến kinh tế đối ngoại và cộng đồng doanh nghiệp về chiến lược kinh tế đối ngoại. Mặt khác, quan tâm xây dựng nguồn lực vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ hoạt động kinh tế đối ngoại, bảo đảm ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.