Bộ Xây dựng chỉ đích danh nhiều chủ đầu tư phải trả quỹ bảo trì, liệu có giải quyết dứt điểm?
Theo chỉ thị 02 mới được Bộ Xây dựng ban hành đã nêu rõ, đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ Xây dựng tập trung thanh tra đối với nhiều chủ đầu tư và ban quản trị nhà chung cư xảy ra tranh chấp gây gắt, có biểu hiện không chấp hành các quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt là công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì tại một số địa phương.
Kết thúc đợt thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 ban quản trị tại 24 nhà chung cư/cụm nhà chung cư, đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán để chuyển ngay cho ban quản trị nhà chung cư với tổng số kinh phí bảo trì hơn 344,96 tỷ đồng.
Đồng thời, Thanh tra Bộ yêu cầu 5 trong số 18 chủ đầu tư phải trả lại 2.080m2 diện tích lấn chiếm về cho cư dân (có giá trị khoảng 62,40 tỷ dồng). Cơ quan Thanh tra cũng đã xử phạt vi phạm hành chính 8/18 chủ đầu tư, tổng số tiền là 1,03 tỷ đồng.
Các kết luận thanh tra đã giải quyết dứt điểm rất nhiều kiến nghị, khiếu nại gay gắt của cư dân, góp phần ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo an ninh, trật tự địa phương.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã chỉ ra 7 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu nại gay gắt, kéo dài. Đơn cử như chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng, mục đích sử dụng, lấn chiếm, sử dụng các phần thuộc sở hữu chung nhà chung cư; chậm tổ chức hoặc tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu không thành công nhưng không có văn bản đề nghị UBND cấp xã tổ chức.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị; chủ đầu tư và ban quản trị chưa quyết toán số liệu (gốc và lãi) kinh phí bảo trì nhưng chủ đầu tư đã bàn giao và ban quản trị đã nhận số tiền kinh phí bảo trì,...
Những năm gần đây, những tranh chấp liên quan đến quỹ bảo trì nhà chung cư giữa chủ đầu tư và cư dân đang xảy ra ngày một nhiều. Các chủ đầu tư thường né tránh hoặc biện lý do sửa chữa để “chây ỳ” không bàn giao kinh phí cho ban quản trị.
Thống kê hồi quý I/2020 của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 3/2020 có khoảng 70 nhà chung cư có tranh chấp liên quan đến khoản tiền kinh phí bảo trì 2%. Tại nhiều chung cư, khoản tiền này có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Đây là những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết nhất thời gian qua.
Trước đó, theo sở Xây dựng TP Hà Nội, hiện trên địa bàn TP đã thành lập được 632/833 BQT nhà chung cư, bàn giao hồ sơ 560/632 BQT, bàn giao kinh phí bảo trì 2 % cho 399/526 BQT (không bao gồm 106 toà nhà chung cư xây dựng trước luật nhà ở năm 2005, do không có kinh phí bảo trì).
Như vậy, tại Hà Nội hiện còn 201 toà chung cư chưa thành lập BQT; 72 toà nhà chưa bàn giao hồ sơ và 127 toà nhà chưa bàn giao quỹ bảo trì 2%. Trong đó, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Thanh Xuân là 3 quận còn tồn tại nhiều nhất.
Nhiều vụ việc tranh chấp dai dẳng kéo dài, có thể kể đến các dự án như Star City (81 Lê Văn Lương, Hà Nội, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội làm chủ đầu tư) được hoàn thành và bàn giao từ năm 2014 nhưng tới nay phần quỹ bảo trì mà chủ đầu tư mới bàn giao cho cư dân chỉ khoảng 2,4 tỷ đồng, trong tổng số hơn 30 tỷ đồng. Hay Chung cư nhà B của Vinaconex 2, chung cư BMM (phường Phúc La, quận Hà Đông) của Cty sản xuất thương mại BMM,...
Với trường hợp của Cty Vinaconex 2, UBND quận Bắc Từ Liêm cũng đã có đề xuất UBND TP Hà Nội xem xét, không giao chủ đầu tư các dự án nhà ở tiếp theo trên địa bàn TP đối với đơn vị này sau nhiều lần cưỡng chế nhưng vẫn không bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư.
Trước đó, để khắc phục tình trạng tranh chấp quỹ bảo trì tại các chung cư, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều Luật Nhà ở 2014.
Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là sửa đổi, bổ sung Điều 37 thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Theo đó, ban quản trị nhà chung cư có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định.
Quy định tại Điều 37 Nghị định 30/2021/NĐ-CP nêu rõ, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của ban quản trị nhà chung cư, UBND cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì cung cấp thông tin về số tài khoản, số tiền trong tài khoản.
Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin cho UBND cấp tỉnh. Căn cứ vào thông tin này, UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho ban quản trị nhà chung cư.
Nghị định 30/2021/NĐ-CP cũng nêu rõ trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì có trách nhiệm chuyển kinh phí này sang tài khoản do ban quản trị nhà chung cư lập để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Cũng theo Nghị định 30/2021/NĐ-CP, trong trường hợp tài khoản kinh doanh chủ đầu tư không còn tiền hoặc còn tiền nhưng không đủ để bàn giao thì UBND cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư và số tiền trong tài khoản này. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan cho UBND cấp tỉnh.
Căn cứ vào thông tin do tổ chức tín dụng cung cấp, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí từ tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư để chuyển giao cho ban quản trị nhà chung cư.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định cưỡng chế, tổ chức tín dụng có trách nhiệm chuyển tiền từ tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư sang tài khoản của ban quản trị nhà chung cư theo đúng số tiền ghi trong Quyết định cưỡng chế.