BSC: Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023, đầu tư công là 'liều thuốc mạnh'

Diên Vỹ 15:16 | 30/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong báo cáo vào giữa tháng 1/2023, nhóm phân tích từ Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP cho Việt Nam trong năm nay. Theo đó, ở kịch bản lạc quan, tăng trưởng GDP đạt 6,7% và ở kịch bản thận trọng hơn là 6,2%.

 

Theo đó, BSC dự báo năm 2023, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại do 3 yếu tố bao gồm: (1) xu hướng thắt chặt chính sách  tiền tệ toàn cầu tác động trực tiếp vào khả năng sản xuất cũng như tiêu dùng của nền kinh tế, tiềm ẩn khả năng xảy ra suy thoái; (2) tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ toàn cầu vẫn chưa được giải quyết bởi chiến tranh Nga – Ukraine và (3) khủng hoảng năng lượng tại châu Âu do khan hiếm dầu thô, nhất là khi lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu thô nhập khẩu từ Nga qua đường biển chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12/2022.

Trong bối cảnh Mỹ và châu Âu nhiều khả năng đối diện với nền kinh tế tăng trưởng giảm tốc trong năm 2023, Trung Quốc - với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (với GDP 2021 đạt 17,734 tỷ USD, chỉ đứng sau mức 23,315 tỷ USD của Hoa Kỳ) - chính thức mở cửa trở lại từ ngày 8/1/2023 được dự báo sẽ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023.

Với Việt Nam, sự mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ giúp nối lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy, phần nào giảm áp lực lên chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, kéo theo dòng ngoại tệ chảy vào cũng như phục hồi du lịch của Việt Nam trong năm 2023.

Ở trong nước, chính sách tài khóa mở rộng với dự chi ngân sách lên tới 792 nghìn tỷ đồng (bao gồm đầu tư công từ gói kích thích kinh tế) cùng kỳ vọng tốc độ giải ngân có thể đạt mức cao khi các dự án tuyến đường Bắc – Nam đã đến giai đoạn đấu thầu vào cuối năm 2022 dự kiến sẽ là động lực cơ bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

“Trong tình trạng lãi suất và lạm phát cao của năm 2023, môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước khó khăn sẽ khiến giải ngân vốn đầu tư NSNN trở thành một trong những liều thuốc mạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này tiếp tục được phản ánh trong gói dự toán NSNN 2023 với tổng vốn đầu tư đạt 792 nghìn tỷ đồng (bao gồm 103 nghìn tỷ đồng của gói kích thích kinh tế). Giải ngân vốn NSNN năm 2023 ước tính đạt từ 554,740 tỷ đồng đến 673,614 tỷ đồng, tương với tốc độ tăng trưởng từ 8,4-31,7% so với 2022)”, báo cáo của BSC nêu rõ.

Tuy nhiên, tăng trưởng xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục suy yếu do tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ suy giảm so với năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa toàn cầu yếu đi, kết hợp với thách thức từ căng thẳng Mỹ - Trung kéo dài.

BSC ước tính kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt mức 393-402 tỷ USD trong năm 2023 (+5,8%-8,3% so với năm 2022). Nhập khẩu đạt mức 380-387 tỷ USD (+5,4%-7,3%). Theo kết quả dự tính trên, Việt Nam có thể xuất siêu 12,6-15,2 tỷ USD vào năm 2023. 

Trong khi đó, dòng vốn FDI được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng do sức hút của Việt Nam với tư cách thành viên của hàng loạt FTA thế hệ mới, tuy nhiên tốc độ tăng dự báo chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc, 

BSC ước tính giải ngân vốn FDI năm 2023 sẽ đạt khoảng 25,1 tỷ USD (+10,7% so với 2022) ở kịch bản 1 và 28,2 tỷ USD (+12,4%) ở kịch bản 2. Ở cả hai kịch bản, tăng trưởng FDI đều giảm so với năm 2022 do dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Dựa trên các giả định, nhóm nghiên cứu BSC xây dựng hai kịch bản dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023. Ở kịch bản 1, tức kịch bản tiêu cực, GDP ước tính đạt tốc độ tăng trưởng 6,2% trong khi ở kịch bản 2, tức kịch bản tích cực, GDP ước tính đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%.