MAS: Dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 cao nhất 6,7%, đầu tư công là 'đầu kéo' chính
Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023: Tìm kiếm ổn định trong bất định
Tại báo cáo chiến lược vĩ mô năm 2023 mang tên “Lạc quan trên tâm thế thận trọng” công bố ngày 5/1, nhóm phân tích MAS nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay tiếp tục là câu chuyện tăng trưởng thấp đi kèm lạm phát cao.
Theo đó, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng lãi suất để đối phó với lạm phát trong nửa đầu năm 2023 và giảm dần trong nửa cuối năm.
Với nền kinh tế lớn nhất hành tinh, MAS kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (MAS) sẽ thành công đưa thị trường hạ cánh mềm năm. Về phía nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, dự báo triển vọng tăng trưởng thấp sau thời gian dài duy trì chiến lược Zero COVID. Trong khi đó, khu vực đồng tiền chung châu Âu (EU) dự báo sẽ bước vào suy thoái trong bối cảnh nợ công ở một số nước gia tăng; tuy nhiên có triển vọng cơ bản ổn định và hồi phục lại trong nửa cuối năm.
Ngoài ra, xung đột Ukraine – Nga kéo dài có khả năng sẽ tiếp tục gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu lâu hơn và khiến giá hàng hóa duy trì ở mức cao, dù tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ nhẹ hơn nhiều so với năm 2022.
Giữa nền viễn cảnh kinh tế toàn cầu nhiều thách thức, trong năm 2023, nhóm phân tích MAS cho rằng Việt Nam có thể sẽ ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô hơn tăng trưởng.
Theo kế hoạch của Chính phủ, lạm phát được đặt mục tiêu kiểm soát khoảng 4,5% vào năm 2023, trong khi tăng trưởng GDP năm 2023 dự kiến sẽ ở mức 6,5%.
Liên quan đến mục tiêu tăng trưởng này, MAS dự phóng Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,2%−6,7% so với cùng kỳ vào năm 2023 và trung bình 7,3% trong giai đoạn 2023-2025, theo đó tốc độ tăng trưởng giải ngân đầu tư công sẽ bù đắp cho sự chững lại trong tăng trưởng tiêu dùng, cũng như sự chậm lại của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp.
Đầu tư công là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 2023
Trong bối cảnh thương mại quốc tế đang chững lại do nhiều thách thức, Chính phủ có thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023. Động thái như vậy không chỉ nhằm mục đích hỗ trợ tăng trưởng GDP của Việt Nam mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút FDI.
Năm 2023, theo dự toán ngân sách nhà nước cả năm đã được Quốc hội thông qua, chi đầu tư phát triển năm 2023 sẽ ở mức 726,68 nghìn tỷ đồng, tức tăng 38% so với kế hoạch năm 2022.
Theo đó, báo cáo của MAS kỳ vọng giải ngân đầu tư công cùng với Quy hoạch Điện VIII sẽ là những động lực tăng trưởng chính trong 2023.
Doanh số bán lẻ có thể chững lại dù vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế
Năm 2022, tiêu dùng nội địa tăng khá mạnh (từ mức thấp của năm 2021), với tổng mức bán lẻ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ (nếu trừ lạm phát, tăng 15,6%).
Tuy nhiên trong năm 2023, nhóm phân tích MAS cho rằng tăng trưởng tiêu dùng sẽ chững lại do áp lực lạm phát, điều kiện tài chính thắt chặt (ví dụ như lãi suất cho vay tăng và mức chi trả nợ cao hơn), cũng như rủi ro thất nghiệp gia tăng sẽ gây áp lực lên tiêu dùng trong nước. Cùng đó là việc so sánh với mức nền khá cao của năm 2021.
Tuy nhiên, du lịch tiếp tục phục hồi sẽ là điểm sáng quan trọng thúc đẩy tiêu dùng nội địa như một động lực của tăng trưởng kinh tế. Ngành này đóng góp gần 10% GDP (năm 2018-2019, thời điểm trước dịch) và giải quyết việc làm cho khoảng 1,3 triệu người; vì vậy, các chuyên gia cho rằng sự trở lại của ngành du lịch được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng “mới” cho mảng bán lẻ hàng hóa, dịch vụ nói chung và dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống nói riêng.
Sản xuất và xuất khẩu có thể phục hồi vào nửa cuối năm
Trước đại dịch COVID-19, xuất khẩu ròng đóng góp khoảng 5–6% GDP.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 tăng 10,6% so với cùng kỳ và đạt 371,85 tỷ USD. Dù vậy, nếu tính riêng từng giai đoạn, có thể thấy xuất khẩu đã giảm tốc đáng kể từ tháng 9 (chủ yếu đến từ thị trường Hoa Kỳ và EU) sau 3 quý đầu năm mạnh mẽ.
Theo MAS, tăng trưởng thương mại quốc tế năm 2023 nhìn chung dự báo vẫn tiếp tục chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang xấu đi, rủi ro địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp diễn. Theo S&P Global, việc tiền đồng mất giá dẫn đến chi phí đầu vào tăng nhanh hơn, trong bối cảnh tiêu dùng toàn cầu kém khả quan. Điều này cũng được phản ánh qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã chậm lại đáng kể từ tháng 10/2022.
Do vậy, dự báo ít nhất trong nửa đầu năm, xuất khẩu có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn do nhu cầu bên ngoài suy yếu.
Bước sang nửa cuối năm, nhiều sự đồng thuận kỳ vọng rằng lạm phát Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) quý IV/2022 của Mỹ sẽ thấp hơn dự báo của FED. Điều này có thể sẽ vực dậy tâm lý người tiêu dùng tại Mỹ cũng như các thị trường xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam. Cùng với việc Trung Quốc mở cửa trở lại gần đây, những tín hiệu này được kỳ vọng có thể giúp sớm thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam về cuối năm.
Dòng vốn FDI vẫn tích cực
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2022 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) ước đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước. Tuy nhiên, điểm sáng là vốn FDI giải ngân đạt tới 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ và là mức FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Trên nền mạnh mẽ của năm 2022, Việt Nam được kỳ vọng vẫn giữ được lợi thế trong việc thu hút FDI trong năm 2023 trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cơ cấu.
Nhóm phân tích MAS chỉ ra một số yếu tố chính có thể tác động đến triển vọng hút FDI của nước ta trong năm nay bao gồm: ảnh hưởng của việc đồng USD mạnh lên so với VND, rủi ro địa chính trị cũng như cạnh tranh gia tăng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia (chẳng hạn như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ).
Lạm phát cả năm dự báo 4,5-5%, chính sách tiền tệ có thể linh hoạt hơn
MAS dự báo lạm phát năm 2023 sẽ dưới mức 4,5-5%, tương ứng với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 13-15%. Cụ thể, trong năm 2022, các chuyên gia cho rằng xung đột Ukraine – Nga và các biện pháp “Zero-Covid” nghiêm ngặt của Trung Quốc đã gây ra lạm phát chi phí đẩy (cost-push inflation). Trong khi đó, bước sang năm 2023, dự báo tác động của yếu tố chi phí đẩy sẽ giảm dần và thay thế bằng yếu tố nội tại (built-in factors) (áp lực giữa lương và giá).
“Theo chúng tôi quan sát, CPI tăng khá nhanh bắt đầu từ tháng 9/2022, trong đó CPI của nhóm Lương thực & thực phẩm, Nhà ở & VLXD, và Giáo dục có mức tăng cao nhất. Trong bối cảnh này, chúng tôi cho rằng quá trình giảm phát có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn vì sẽ có độ trễ giữa tốc độ tăng lương chậm lại và tốc độ lạm phát chậm lại ở các lĩnh vực dịch vụ vốn sử dụng nhiều nhân lực.
Ngoài ra, với khả năng cao giá điện sẽ tăng vào năm 2023 (giá điện Việt Nam bình quân giữ ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) kể từ tháng 3/2019), chúng tôi kỳ vọng yếu tố nội tại sẽ đóng vai trò quyết định trong việc gia tăng áp lực lạm phát ở Việt Nam trong năm 2023”, báo cáo của MAS nêu rõ.
Trong giả thuyết như vậy, chính sách tiền tệ được dự báo sẽ linh hoạt hơn trong năm 2023. Nhất là khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, bao gồm cả FED, được dự báo sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất dần trong năm.
“Với kỳ vọng này, chúng tôi dự báo chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được thắt chặt trong nửa đầu năm 2023 trước khi nới lỏng dần. Như vậy, mức giảm giá của VND được kỳ vọng sẽ ở mức vừa phải nhờ cơ chế điều tiết cung cầu ngoại tệ linh hoạt của NHNN. Ngoài ra, việc củng cố chính sách tài khóa (với tỷ lệ nợ công năm 2021 là 43,1% GDP) và bộ vốn đệm để ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài (nhờ dòng vốn FDI ổn định và thặng dư tài khoản vãng lai) sẽ giúp ổn định vĩ mô nói chung”, nhóm phân tích MAS nhận định.