Bức tranh ngành thép Việt trong 7 tháng đầu năm 2019

16:54 | 28/08/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ngành sản xuất thép trong nước 7 tháng đầu năm tương đối ổn định về giá cả và thị trường các sản phẩm thép. Tuy nhiên, xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài khó khăn hơn bởi các hàng rào phòng vệ thương mại.

Thông tin công bố mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, ngành sản xuất thép trong nước 7 tháng đầu năm tương đối ổn định về giá cả và thị trường các sản phẩm. Tăng trưởng sản xuất và bán hàng thép trong 7 tháng lần lượt đạt 7,2% và 10% so với cùng kỳ năm 2018.

Bức tranh ngành thép Việt trong 7 tháng đầu năm 2019 - ảnh 1
 Ngành sản xuất thép trong nước 7 tháng đầu năm tương đối ổn định.
Trong tháng 7, sản xuất thép đạt hơn 2,1 triệu tấn; tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ 2018. Lượng bán hàng đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 8,43% so với tháng trước, và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng thì tốc độ tăng trưởng sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép đều tăng lần lượt là 3% và 9% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính chung 7 tháng đầu năm, lượng thép sản xuất đạt 14,8 triệu tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2018; Bán hàng đạt xấp xỉ 13,7 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu thép là 2,8 triệu tấn, tăng 4,8% so với 7 tháng 2018.
Về tình hình nhập khẩu, tính đến hết 30/6, Việt Nam nhập khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm các loại đạt hơn 9,8 triệu tấn. Tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt hơn 5,978 tỷ USD. Trong đó nhập khẩu một số sản phẩm thép tăng cao so với cùng kỳ như thép hình tăng 62,4%; thép cuộn tăng 10,3%.
Về tình hình xuất khẩu, tính đến ngày 30/6, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,12 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, tăng 13,3% về lượng so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 2,68 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu một số sản phẩm thép có ưu thế của Việt Nam lại giảm như tôn mạ KL&SPM giảm 17,6%; ống thép giảm 22,3%.
Bức tranh ngành thép Việt trong 7 tháng đầu năm 2019 - ảnh 2
 Top 10 quốc gia xuất khẩu thép của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019.
Xét về khía cạnh xuất khẩu, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên toàn cầu sẽ là sức ép trực tiếp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Các biện pháp tăng cường phòng vệ thương mại liên tục được các nước đưa ra để bảo vệ nền kinh tế trong nước.
Cụ thể, ngày 01/08/2019, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ đã quyết định áp thuế với các nhà xuất khẩu ống thép của Việt Nam từ 0-11,96% do cáo buộc các doanh nghiệp có trợ cấp từ Chính phủ. Từ 2/8/2019, Hoa Kỳ cũng bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam nếu nghi ngờ sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Trao đổi về việc ngành thép Việt trước sức ép phòng vệ thương mại, ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch VSA cho biết, trong xu thế hội nhập toàn cầu về kinh tế, việc các nước sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là một việc làm tất yếu để bảo vệ sản xuất trong nước, tuân thủ những quy định của WTO.
Vì thế, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, cải tiến, nâng cao năng lực quản trị để từ đó hạ giá thành để có được năng lực cạnh tranh cao hơn; đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro; tuân thủ luật thương mại, pháp luật cạnh tranh quốc tế; tích cực phối hợp với các đối tác bạn hàng thị trường xuất khẩu để biết thông tin, cung cấp thông tin trung thực với cơ quan điều tra các nước để bày tỏ thiện chí hợp tác lâu dài...