Bức tranh trái chiều của ngành thép 2023 và cửa sáng năm 2024

Hoàng Kiều 14:05 | 12/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hai doanh nghiệp lớn là Hoà Phát, Hoa Sen hồi phục về cả doanh thu và lợi nhuận sau năm khủng hoảng của ngành thép trong khi đó Pomina, Thép SMC hay VNSteel tiếp tục kéo dài chuỗi thua lỗ. Nhiều chuyên gia cho rằng ngành thép đã chạm đáy vào quý IV/2023 và sẽ khởi sắc hơn trong năm nay.

Là ngành mang tính chất chu kỳ, tổng sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước năm 2023 chứng kiến sự sụt giảm do ảnh hưởng của nền kinh tế vĩ mô cũng như thị trường bất động sản nói riêng.

Sau giai đoạn điều chỉnh giảm và đi ngang, từ giữa tháng 11/2023 đến giữa tháng 12/2023, giá thép xây dựng đã có ba đợt tăng liên tiếp, chốt năm 2023 ở mức 13,8-15,3 triệu đồng/tấn. Giá thép tăng trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng, chi phí tài chính và trượt giá USD/VND.

Tuy nhiên, việc cạnh tranh về giá bán, về thị phần, thị trường của các nhà máy ngày càng trở nên khốc liệt để duy trì hoạt động của nhà máy. Hiện nay các nhà máy trong nước đối mặt nhiều khó khăn do giá tồn kho cao, giá bán thấp, và các chi phí tài chính.

 

Hai thái cực của ngành thép năm 2023

Bức tranh kinh doanh ngành thép ghi nhận hai thái cực đối lập trong quý cuối năm và cả năm 2023.

 

Quý IV, doanh thu của ông lớn số 1 thị phần thép xây dựng và ống thép là Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) ghi nhận sự tăng trưởng trở lại sau 5 quý suy giảm liên tiếp. Quý III, Hoà Phát ghi nhận 34.384 tỷ doanh thu thuần, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đứng thị hai thị phần thép xây dựng trên thị trường là Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - Mã: TVN) cũng ghi nhận quý tăng trưởng dương sau 6 quý suy giảm.

 

 Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Trái lại, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) và CTCP Thép Pomina (Mã: POM) tiếp tục có quý tăng trưởng âm về doanh thu. Trong đó, Pomina báo doanh thu giảm sâu tới 83% so với cùng kỳ do doanh thu xuất khẩu và nội địa ghi nhận giảm 70 - 80% so với quý IV/2022.

Ở nhóm tôn mạ, doanh thu của Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) tiếp tục hồi phục quý thứ hai liên tiếp còn CTCP Tôn Đông Á (Mã: GDA) và CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) đã ngắt mạch tăng trưởng âm.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Nửa cuối 2022 có thể nói là giai đoạn khủng hoảng của ngành thép khi nhu cầu suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu leo thang. Ngoài ra, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Hoà Phát, Hoa Sen hay các đơn vị nhỏ hơn đều thua lỗ.

Quý IV/2022 cũng được đánh giá là giai đoạn đáy của ngành thép và ghi nhận sự hồi phục lợi nhuận qua từng quý của các đơn vị lớn như Hoà Phát, Hoa Sen.

Sau năm 2022 ảm đạm, Hoà Phát bắt đầu bước vào chu kỳ khôi phục khi lợi nhuận 2023 được ghi nhận dày lên qua từng quý, đặc biệt quý IV cao gấp rưỡi quý III và trở thành quý có kết quả kinh doanh tốt nhất cả năm với 2.973 tỷ.

So với quý đầu năm, biên lợi nhuận gộp quý IV của Hoà Phát đã tăng từ 6% lên 13% và biên lợi nhuận thuần tăng từ 1% lên 9%.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Sự lạc quan hơn của thị trường thép trong quý IV đã được phản ánh vào cơ cấu hàng tồn kho của Hòa Phát khi tỷ trọng của thành phẩm tồn kho giảm xuống mức thấp nhất kể từ quý II/2022, chỉ còn 35% trên tổng hàng tồn kho thay vì 45% như cùng kỳ năm trước.

Vòng quay thành phẩm của Hoà Phát cũng giảm mạnh từ 53 ngày trong quý III xuống chỉ còn 37 ngày trong quý IV, làm tổng thể vòng quay toàn bộ hàng tồn kho hạ xuống 106 ngày - mức tối ưu kỷ lục trong vòng 3 năm trở lại đây.

Trái ngược với Hoà Phát thì VNSteel, Pomina hay Thép SMC tiếp tục kéo dài chuỗi thua lỗ. Tuy nhiên mức lỗ của VNSteel đã thu hẹp, chỉ còn lỗ ròng 30 tỷ quý IV. Trong khi Pomina  lỗ 313 tỷ khi chi phí lãi vay tiếp tục bào mòn lợi nhuận. Còn Thép SMC  lỗ 330 tỷ do tăng dự phòng phải thu từ các đơn vị thuộc Novaland.

Tính chung cả năm, Pomina lỗ ròng 960 tỷ đồng và là khoản lỗ lớn nhất ngành thép, theo sau là Thép SMC với mức lỗ ròng 919 tỷ đồng.

Ở nhóm tôn mạ, cả ba đơn vị gồm Hoa Sen, Nam Kim và Tôn Đông Á đều ghi nhận hồi phục so với cùng kỳ. Hoa Sen lãi ròng 103 tỷ quý IV song đã "giảm nhiệt" so với mức lãi 438 tỷ quý III. Biên lợi nhuận của Hoa Sen đạt gần 10,5% quý IV, tăng mạnh so với mức 2% cùng kỳ 2022 nhưng suy giảm so với mức 13,2% quý III.

Cửa sáng cho doanh nghiệp thép năm nay 

Ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát nhận định: “2024 sẽ là năm khởi động của ngành thép sau khi đã chạm đáy vào năm 2023. Thị trường sẽ bắt đầu vào đà phục hồi từ năm 2025”.

Theo ông Thắng, năm 2023 chính là đáy của ngành thép và 2024 thị trường sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, mức độ tăng thế nào sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc nhanh hay chậm, lộ trình giảm lãi suất của Fed ra sao và triển vọng nền kinh tế Mỹ có suy thoái hay không. Đó là những yếu tố ở thị trường thế giới, còn với Việt Nam, sức tiêu thụ cũng chưa thể phục hồi một cách nhanh chóng.

Ảnh: Hoà Phát.

Các chuyên gia của Chứng khoán SSI cũng kỳ vọng tổng sản lượng tiêu thụ thép sẽ phục hồi hơn 6% trong năm 2024, trong đó tiêu thụ nội địa đạt mức tăng trưởng gần 7%. Đồng thời, dự báo mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ nhờ tình hình vĩ mô và thị trường bất động sản khởi sắc hơn. Trong chu kỳ trước, tiêu thụ thép xây dựng năm 2013 đã tăng khoảng 3% so với mức đáy năm 2012.

Theo SSI Research, sản lượng xuất khẩu sẽ cải thiện trong quý đầu tiên, do chênh lệch giữa giá thép ở Bắc Mỹ và châu Âu so với giá thép ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Ngoài ra, châu Âu kiểm soát chặt hơn việc nhập thép bán thành phẩm do Nga sản xuất trong năm 2024 cũng sẽ hỗ trợ xuất khẩu thép Việt Nam sang châu Âu.

Đơn vị này dự báo giá thép có thể đã chạm đáy và sẽ phục hồi trong thời gian tới. Tuy nhiên, các chuyên gia không kỳ vọng giá thép sẽ tăng mạnh vì nhu cầu chung vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu ở Trung Quốc do thị trường bất động sản chưa có nhiều khởi sắc.

Mặt khác, sự gia tăng giá thép so với chi phí nguyên liệu đầu vào có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất ở Trung Quốc quay trở lại. Do đó, lợi nhuận của các công ty thép có thể đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 từ mức nền thấp năm 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, đặc biệt là của Hoà Phát và Hoa Sen và biên lợi nhuận gộp tăng trở lại từ mức thấp trong nhiều năm do giá thép nhiều khả năng đã kết thúc xu hướng giảm của những năm trước.

SSI cũng cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận có thể cao hơn trong nửa đầu năm 2024 nhờ mức nền lợi nhuận thấp trong nửa đầu năm 2023. Xu hướng phục hồi có thể được duy trì sau năm 2024, mặc dù nhu cầu tiêu thụ và biên lợi nhuận vẫn còn khả năng biến động.