Các nước tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam

12:22 | 27/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hàng Việt Nam hiện tại là một trong 4 nước bị áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất thế giới, khi 9 tháng năm 2020, số vụ bị áp dụng nhiều gấp đôi năm ngoái.
Trong 9 tháng qua, tổng số vụ việc mới khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam là 31 vụ, gấp gần 2 lần so với toàn bộ vụ việc khởi xướng năm 2019. Đáng mừng là doanh nghiệp trong nước không còn sợ các vụ kiện phòng vệ thương mại này. 
 

Sống chung với các vụ kiện


Đến hết tháng 9, Bộ Công thương đã ghi nhận và xử lý 193 vụ việc PVTM nước ngoài áp dụng đối với Việt Nam, bao gồm 108 vụ việc chống bán phá giá, 22 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 40 vụ việc tự vệ. Trong 9 tháng qua, tổng số vụ việc mới khởi xướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là 31 vụ, gấp gần 2 lần so với toàn bộ vụ việc khởi xướng năm 2019. Các thị trường thường xuyên điều tra PVTM với hàng xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, EU, Ấn Độ, Canada và Úc. 62% các vụ việc bị điều tra đến từ những nước này. Tuy nhiên, gần đây các nước ASEAN cũng tích cực điều tra PVTM với Việt Nam, với tỷ lệ đã tăng lên con số 20%.
 
Các nước tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam - ảnh 1

Hàng Việt Nam đang đối diện với nguy cơ phòng vệ thương mại từ các nước

Đặc biệt, gỗ dán là một trong những nhóm mặt hàng thời gian gần đây vướng vào không ít vụ kiện PVTM. Bày tỏ nhiều lo ngại về vấn đề này, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chín tháng năm 2020, toàn ngành có nhiều biến động, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, chế biến và trị giá XK gỗ và lâm sản. Bên cạnh ảnh hưởng nổi cộm của dịch Covid-19, vấn đề đáng chú ý chính là ảnh hưởng do các vụ việc cạnh tranh thương mại gây ra. Đơn cử, một vụ việc đáng chú là ngày 26-5-2020, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đã quyết định áp thuế CBPG tạm thời đối với ván dán nhập khẩu (NK) từ Việt Nam từ 9,18% đến 10,65%. Thời hạn áp dụng mức thuế từ ngày 29-5-2020 đến 28-9-2020.

Hiện nay, phía Hàn Quốc đã kết thúc điều tra thực tế tại các DN và sẽ công bố quyết định chính thức vào thời gian tới. Ngoài ra, ngay ngày 6-9-2020 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã quyết định khởi xướng điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế CBPG, chống trợ cấp sản phẩm đối với mặt hàng ván dán (mã HS 4412) XK từ Việt Nam do có nghi ngờ mặt hàng này có xuất xứ từ… Trung Quốc.

Đa số hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh), hóa chất,... Các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Úc. 
 
Tổng số vụ việc các nước này điều tra đã chiếm tới 62% các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, gần đây các nước ASEAN cũng rất tích cực điều tra phòng vệ thương mại với 38 vụ việc (chiếm tỷ lệ 20%).
 
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ các ngành sản xuất, xuất khẩu ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong thương mại quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. 
 
Các nước tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam - ảnh 2
 
 Chỉ 9 tháng đầu năm 2020 số lượng các vụ kiên đã tăng gấp đôi so với cung kỳ
 
Bộ đã đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm, thường xuyên cung cấp, cập nhật danh mục các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ để các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường giám sát, theo dõi và có các biện pháp xử lý phù hợp; cảnh báo và khuyến nghị doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xử lý vụ việc.Khi vụ việc bị khởi xướng điều tra, hướng dẫn, tư vấn các vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho doanh nghiệp.
 
Bộ Công thương trên cho biết thêm kể từ vụ việc đầu tiên hồi năm 2003 đến nay, các vụ việc bị khởi xướng điều tra đã khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng khoảng 12 tỷ USD. Con số 12 tỷ USD không phải là hàng Việt Nam bị thiệt hại, mất đi mà là tính toán mang tính tương đối trên cơ sở là kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng đó vào năm liền trước. Ví dụ, khi Mỹ khởi xướng điều tra với sản phẩm tôm của Việt Nam thì 80% kim ngạch của mặt hàng này vẫn xuất khẩu vào thị trường Mỹ bình thường chứ không phải tất cả tôm bị ảnh hưởng.
 
Theo một chuyên gia về thương mại quốc tế, số lượng các vụ kiện PVTM gia tăng nhanh là điều dễ hiểu, không chỉ trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên thế giới mà điều quan trọng là nó tỷ lệ thuận với kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
 
Điều đáng mừng là các doanh nghiệp trong nước từ chỗ rất sợ khi nghe tin nước ngoài khởi xướng điều tra, thì đến nay đã rất chủ động để phòng tránh. Nhưng đến nay hầu như tuần nào, tháng nào Cục PVTM cũng nhận được đề xuất làm việc của các hiệp hội để tìm hiểu về nguy cơ bị điều tra, kể cả các ngành hàng nguy cơ thấp.
 
Ở chiều ngược lại về công tác khởi kiện, đến nay Việt Nam đã điều tra 19 vụ việc PVTM và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác. Các sản phẩm bị điều tra, áp thuế tương đối đa dạng, từ nguyên vật liệu như sắt thép, kim loại, hóa chất, nhựa, phân bón cho đến hàng tiêu dùng như bột ngọt, đường. Nhờ công cụ PVTM, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất.
 

43% vụ việc kháng kiện thành công


Với hàng loạt các giải pháp nêu trên, Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đã kháng kiện thành công (không áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp) đối với 65/151 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỉ lệ khoảng 43%. Nhiều mặt hàng như thủy sản, sắt thép, gỗ, mặc dù bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ bị áp mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì và tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada,…

Các nước tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam - ảnh 3Các doanh nghiệp Việt Nam đã "bớt bỡ ngỡ hơn với các vụ kiện và chủ động nhiều hơn"


Các hoạt động cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cho các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp đã được triển khai thường xuyên, rộng khắp. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã ban hành và triển khai Quyết định 1347/QĐ-BCT về nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới, tập trung vào việc cung cấp thông tin, kiến thức cho các hiệp hội doanh nghiệp.

Với việc thực hiện các chương trình, hoạt động hỗ trợ, phổ biến thông tin, kiến thức về Phòng vệ thương mại do Bộ Công Thương, VCCI, các hiệp hội ngành hàng tổ chức, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về các biện pháp PVTM đã có chuyển biến tích cực so với trước đây.Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ và Bộ Công Thương, việc ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của ta đòi hỏi sự tích cực, chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá “nóng” vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá.

Doanh nghiệp nên coi PVTM là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu, của mình. Trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM và chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện PVTM. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM; tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc.

Dung Nguyễn