CEO Vietjet nêu giải pháp khắc phục tình trạng quá tải HoSE chỉ trong 2 tháng

10:40 | 08/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết đã thảo luận với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn trong nước và sẵn sàng đóng góp tiền để giải quyết tình trạng quá tải của sàn chứng khoán TP.HCM HoSE.
Tại diễn đàn “Đối thoại 2045” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với sự tham gia của hàng loạt chủ tịch, tổng giám đốc nhiều doanh nghiệp quy mô lớn hàng đầu Việt Nam, một trong số các vấn đề được lãnh đạo các doanh nghiệp quan tâm đó là tình trạng quá tải, nghẽn mạng tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
 

Chỉ cần 2 tháng và 60 tỷ để giải quyết tình trạng quá tải

 
Tổng giám đốc Vietjet kiêm Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng với tham vọng trở thành quốc gia hùng cường, thu nhập cao, sàn chứng khoán TP.HCM phải sánh ngang với sàn Hong Kong, London hay New York.
 
Tuy nhiên vì cơ chế, HoSE lại đang sử dụng giải pháp công nghệ thông tin có từ vài chục năm trước. Tới đây, HoSE thay đổi hệ thống công nghệ nhưng giải pháp này cũng đã 10 năm.
 
Về phương án giải quyết, nữ tỷ phú cho rằng biện pháp giảm số lượng giao dịch do hệ thống không đáp ứng nổi hay chuyển các cổ phiếu ra niêm yết tại sàn chứng khoán Hà Nội đều không ổn.
 
CEO Vietjet nêu giải pháp khắc phục tình trạng quá tải HoSE
CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu tại diễn đàn Việt Nam 2045 chiều 6/3
 
Mặt khác, việc thay đổi phần mềm hệ thống của sàn chứng khoán tốn kém, rất lâu và cũng phụ thuộc đối tác nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước hoàn toàn giải quyết được vấn đề này.
 
Qua đó, CEO Vietjet cho hay đã liên lạc với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn như FPT, One Mount Group, Viettel để cùng bàn bạc giải pháp khắc phục việc sàn chứng khoán quá tải. Câu trả lời bà nhận được là chỉ cần 2 tháng và chi phí khoảng 60 tỷ đồng để có thể giải quyết vấn đề này.

“60 tỷ hoặc nhiều hơn nữa, các doanh nghiệp, doanh nhân ở đây sẵn sàng cùng chia sẻ, đóng góp số tiền này để giảm áp lực cho ngân sách. Giải pháp này chắc chắn thành công. Và nếu thành công, đây sẽ món quà đầu tiên, rất thuyết phục của diễn đàn hôm nay”, nữ tỷ phú phát biểu.
 
Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cũng đề xuất Thủ tướng để các doanh nghiệp tư nhân trong nước xử lý vướng mắc về kỹ thuật của sàn chứng khoán TP.HCM.
 
Ông cũng nhấn mạnh chỉ cần niềm tin của Chính phủ với doanh nghiệp, doanh nhân, những trục trặc của sàn chứng khoán có thể giải quyết xong trong 2 tháng.

Trước kiến nghị của các doanh nhân, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu các ý kiến, giải quyết thật nhanh việc thay đổi công nghệ của sàn chứng khoán TP.HCM để không còn xảy ra trục trặc, không cần sử dụng ngân sách.
 

Các giải pháp còn hạn chế


Trước đó, từ cuối tháng 12/2020 sàn chứng khoán TP.HCM bắt đầu quá tải, xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh thường xuyên mỗi khi thanh khoản trên thị trường tăng cao.

Hiện tượng này dẫn đến hậu quả là nhà đầu tư khó mua bán cổ phiếu về cuối buổi chiều trong nhiều phiên giao dịch khi thanh khoản chạm mốc 14.000-15.000 tỷ.
 
Từ đầu tháng 1, HoSE bắt đầu áp dụng nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lệnh. Theo lãnh đạo sở giao dịch, giải pháp tình thế này giảm tải 15-18% số lượng lệnh nhưng hiện tượng nghẽn lệnh vẫn tiếp tục.
 
Tiếp đến, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép một số doanh nghiệp tạm thời chuyển cổ phiếu đang niêm yết trên sàn TP.HCM ra sàn HNX Hà Nội để giảm tải. Bên cạnh đó, lãnh đạo HoSE cho biết đang nghiên cứu ý tưởng nâng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 cổ phiếu/lệnh trong thời gian chờ hệ thống công nghệ mới chính thức vận hành.
 
Tuy nhiên, các biện pháp tình thế này đều bộc lộc nhiều hạn chế. Thứ nhất, việc nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu/lệnh bị nhà đầu tư cá nhân phản ứng khi khiến số vốn tham gia thị trường chứng khoán tăng lên nhiều lần. Thứ hai, chưa có nhiều doanh nghiệp công bố thông tin sẵn sàng chuyển sàn ra Hà Nội.
 
Hệ thống giao dịch mới của HoSE được giới thiệu do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) làm nhà thầu, thay thế cho hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) được sử dụng từ ngày đầu thành lập năm 2000. Do đó, hệ thống này vẫn bị đánh giá là lỗi thời.
 
Dù HoSE đã ký hợp đồng với KRX vào cuối năm 2012, trải qua nhiều lần lỗi hẹn với nhà đầu tư và đến nay vẫn chưa công bố thời điểm chính xác có thể vận hành hệ thống công nghệ mới.
 
 
Hà Ly