Chàng sinh viên trẻ trồng thanh long trên vùng ngập mặn

08:33 | 02/03/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Mai Trúc Lâm – sinh viên năm 3, Đại học Gia Định đã nghiên cứu tận dụng thành công cây mắm, loài cây đặc trưng ở vùng ngập mặn để trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn là một dự án độc đáo, sử dụng giống thanh long địa phương được phục tráng và có khả năng chịu mặn; đưa giống kí sinh lên cây mắm, là một loại cây rất đặc trưng ở những vùng ngập mặn để sinh sống và phát triển.

Chàng sinh viên trẻ trồng thanh long trên vùng ngập mặn - ảnh 1
Sinh viên Mai Trúc Lâm

Mai Trúc Lâm cho biết, dự án “Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn” dùng cây mắm làm trụ đỡ thay vì trụ bê tông thông thường giúp giảm chi phí, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây thanh long. Ngoài thanh long, mô hình này còn có thể thu hoạch được nhiều thứ như phân, củi, chất đốt từ cây mắm, khai thác thủy hải sản dưới chân rừng và nuôi ong để tận dụng nguồn phấn hoa từ hoa thanh long cùng với hoa mắm. Ngoài ra, dự án này còn góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái như chống sạt lở, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn, hải sản non. Xa hơn, Trúc Lâm mong muốn có thể mở rộng, phát triển du lịch sinh thái vùng ngập mặn ở địa phương.

Điểm đặc biệt của trái thanh long được trồng theo mô hình này là vỏ màu cánh sen đẹp mắt, có vị ngọt hơn cả thanh long ruột đỏ thông thường. Đặc biệt những người từng thử qua sản phẩm này đều cảm thấy thích thú vì trái thanh long nhưng có mùi vị của loại nhãn.

Chàng sinh viên trẻ trồng thanh long trên vùng ngập mặn - ảnh 2
Mai Trúc Lâm với cây thanh long được trồng trên thân cây mắm
 Sau hơn 5 năm thử nghiệm, Mai Trúc Lâm cho biết, mô hình trồng thanh long này có thể áp dụng và nhân rộng ở những vùng ngập mặn, bãi bồi ven biển. Dự án này sẽ tiếp tục chung tay với các tổ chức cộng đồng, chính quyền địa phương tạo ra công ăn việc làm cho người dân, không bỏ phí diện tích đất.