Châu Âu căng mình chống chịu khủng hoảng năng lượng: Chính phủ áp giá trần, tăng trợ cấp, cấm xuất khẩu

Song Ngọc 07:22 | 06/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các nước châu Âu đang đối mặt với chi chí năng lượng cao vút do giá khí đốt tăng mạnh sau khi EU áp hàng loạt biện pháp trừng phạt lên Nga và Moscow tung đòn đáp trả.

Dưới đây là một số chính sách mà Anh và các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã công bố nhằm hỗ trợ hộ gia đình trong cơn bão giá năng lượng, theo tổng hợp của Reuters:

Ủy ban châu Âu

Các nước thành viên Liên minh châu Âu tự chịu trách nhiệm gần như hoàn toàn đối với chính sách năng lượng của quốc gia mình. Các quy định của EU cho phép thành viên thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ người tiêu dùng khi giá quá cao.

Hồi tháng 7, EU đã đề nghị 27 quốc gia thành viên tự nguyện giảm tiêu thụ khí đốt 15% trong mùa đông năm nay, chính sách bắt buộc cắt giảm có thể sẽ được áp dụng. EU cũng đặt mục tiêu lấp đầy 80% kho dự trữ khí đốt trước ngày 1/11 năm nay.

Anh

Nước Anh áp giá trần đối với các hợp đồng năng lượng được hộ gia đình sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên theo Văn phòng Thị trường Khí đốt và Điện (Ofgem), hóa đơn năng lượng từ tháng 10 tới đây vẫn sẽ tăng 80% lên mức 3.549 bảng (4.188 USD) một năm. Ofgem coi đây là một cuộc “khủng hoảng” cần phải được giải quyết bằng các can thiệp khẩn cấp và quyết liệt của chính phủ.

Các nhà dự báo cho rằng chi phí năng lượng vào năm sau có thể lên tới 6.000 bảng Anh (7.080 USD) mỗi năm khi giá trần được nâng lên, đồng nghĩa với việc mỗi gia đình có thể phải trả tới 500 bảng Anh mỗi tháng cho khí đốt và điện, lớn hơn cả tiền thuê nhà hoặc mua nhà trả góp.

Hai ứng viên thủ tướng Anh là Ngoại trưởng Liz Truss và cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đều đề xuất tạm dừng áp dụng thuế bảo vệ môi trường hoặc giảm thuế tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những biện pháp này là quá ít ỏi để có thể hỗ trợ cho ngân sách các hộ gia đình.

Hồi tháng 5 năm nay, chính phủ của đảng Bảo thủ đã đưa ra một gói hỗ trợ trị giá 15 tỷ bảng cho các hộ gia đình. Mỗi nhà sẽ được trợ cấp 400 bảng trong hóa đơn năng lượng kể từ tháng 10.

Hơn 8 triệu gia đình thu nhập thấp đang được nhận hỗ trợ của nhà nước cũng sẽ được cấp thêm khoản hỗ trợ một lần 650 bảng. Những người lớn tuổi về hưu và người khuyết tật sẽ được hỗ trợ nhiều hơn.

Pháp

Pháp đã cam kết kiểm soát mức tăng giá điện không quá 4%. Để thực hiện mục tiêu này, chính phủ đã yêu cầu công ty năng lượng EDF (do nhà nước sở hữu 80%) tăng cường bán điện hạt nhân giá rẻ cho các doanh nghiệp đối thủ.

Các biện pháp mới được công bố từ sau khi xung đột Ukraine nổ ra – bao gồm hỗ trợ những doanh nghiệp phải chịu chi phí khí đốt và điện năng lên cao – đã đưa tổng quy mô gói trợ cấp của chính phủ Pháp lên 25 – 26 tỷ euro, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire nói.

Cơ quan quản lý năng lượng CRE của Pháp tháng trước đã đề xuất tăng thuế quan đối với doanh số điện thêm 3,89%. Chính phủ có thể không đồng ý với mức thuế đề xuất này và áp dụng thuế quan thấp hơn, hoặc thẳng thừng bác bỏ.

Đức

Những người lao động đang nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ được nhận khoản trợ cấp giá năng lượng một lần trị giá 300 euro. Các gia đình được nhận hỗ trợ một lần 100 euro/trẻ em, những gia đình thu nhập thấp được gấp đôi mức này.

Trong vài năm tới, khoảng 12 – 13 tỷ euro sẽ được chi mỗi năm để trợ cấp việc tân trang các tòa nhà cũ. Tuy nhiên, các gia đình Đức sẽ phải bỏ ra thêm gần 500 euro mỗi năm cho hóa đơn khí đốt sau khi chính phủ áp một khoản phụ thu để chi trả cho quá trình thay thế nguồn cung của Nga.

Khoản phụ thu này được áp dụng từ 1/10/2022 đến tháng 4/2024, sẽ hỗ trợ tập đoàn Uniper và các nhà nhập khẩu năng lượng khác của Đức ứng phó với tình trạng giá tăng mạnh.

Hôm 4/9 vừa qua, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức sẽ chi ít nhất 65 tỷ euro để giúp các gia đình và doanh nghiệp chống chịu lạm phát phi mã. Các biện pháp cụ thể bao gồm tăng tiền hỗ trợ cho từng đối tượng cũng như trợ cấp cho giao thông công cộng.

Nguồn tiền để triển khai chương trình hỗ trợ 65 tỷ USD đến từ việc đánh thuế đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất điện từ gió, mặt trời, sinh khối, than và hạt nhân, không bao gồm các nhà máy nhiệt điện khí.

 

Bulgaria

Bulgaria áp dụng mức chiết khấu 0,25 levs (tương đương 0,12 USD) cho mỗi lít xăng, dầu diesel, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và metan kể từ tháng 7 cho tới hết năm 2022 đối với các hộ gia đình. Chính phủ cũng bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với khí tự nhiên, điện và metan.

Quốc gia vùng Balkan này là một nhà xuất khẩu ròng đối với điện. Bulgaria đang kiểm soát chặt giá điện, chỉ cho phép tăng bình quân 3,4% mỗi năm tính đến tháng 7.

Đan Mạch

Hồi tháng 6, các nhà lập pháp của đất nước Bắc Âu này đồng ý trợ cấp tiền mặt cho người già và áp dụng các chính sách hỗ trợ khác trị giá 3,1 tỷ crown (tương đương 439 triệu USD) để giảm nhẹ tác động của lạm phát phi mã và giá năng lượng tăng vọt.

Đan Mạch trước đó đã thông qua gói trợ cấp trị giá 2 tỷ crowns dành cho 419.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng mạnh bởi chi phí năng lượng lên cao.

Phần Lan

Chính phủ Phần Lan ngày 4/9 thông báo kế hoạch chi 10 tỷ euro (tức 10 tỷ USD) để đảm bảo thanh khoản cho lĩnh vực năng lượng và tránh một cuộc khủng hoảng tài chính.

Hy Lạp

Hy Lạp đã chi khoảng 8 tỷ euro để trợ cấp giá điện và các biện pháp khác kể từ tháng 9/2021 đến nay. Từ tháng sau, Hy Lạp sẽ nâng gấp đôi mức trợ cấp cho hóa đơn tiền điện lên 1,9 tỷ euro, mở rộng gói hỗ trợ tài chính đã được đưa ra từ năm ngoái nhằm giúp người dân qua cơn bão giá.

Các khoản trợ cấp này sẽ triệt tiêu tới 94% mức tăng trong tiền điện hàng tháng đối với hộ gia đình và 89% đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hy Lạp đã áp dụng mức trần đối với khoản thanh toán cho các nhà sản xuất năng lượng để phản ánh chi phí sản xuất thực tế, tức là bãi bỏ khoản phụ thu trên hóa đơn tiền điện.

Hungary

Kể từ tháng 11 năm ngoai, Hungary đã áp giá trần bán lẻ nhiên liệu ở mức 480 forints (tương đương 1,23 USD) mỗi lít, thấp hơn nhiều so với giá trên thị trường. Chính sách này khiến cho nhu cầu tăng mạnh tới mức nhà nước đã buộc phải thu hẹp nhóm đối tượng được hưởng giá trần.

Giá khí đốt và điện năng lên cao cũng buộc chính phủ phải nâng mức trần từng được áp dụng nhiều năm với hóa đơn năng lượng.

Hungary còn cấm xuất khẩu nhiên liệu và gần đây nới lỏng quy định đối với hoạt động chặt gỗ làm củi.

Italy

Đầu tháng 8, Italy đã thông qua một gói hỗ trợ 17 tỷ euro để giúp doanh nghiệp và gia đình chống chịu chi phí năng lượng và lạm phát cao vọt.

Trước đó vào tháng 1, Italy đã dành ra khoảng 35 tỷ euro để hạn chế tác động của giá điện, khí đốt và xăng dầu quá đắt đỏ.

Thụy Điển

Thụy Điển đã chuẩn bị 6 tỷ crowns (tương đương 605 triệu USD) để giúp đỡ những gia đình chịu thiệt hại nặng nhất khi giá điện lên cao.

Hôm 3/9, nữ Thủ tướng Magdalena Andersson cho biết Thụy Điển sẽ chi hàng trăm tỷ crowns để đảm bảo thanh khoản cho các tập đoàn năng lượng, tránh khủng hoảng tài chính sau khi Gazprom dừng hoàn toàn đường ống Nord Stream 1.

“Nếu chúng ta không hành động thì hệ thống tài chính sẽ chịu rủi ro gián đoạn nghiêm trọng, có thể dẫn tới khủng hoàng tài chính trong trường hợp xấu nhất”, nữ Thủ tướng Thụy Điển nói. “Ông Putin muốn tạo ra sự chia sẻ, nhưng thông điệp của chúng ta rất rõ ràng: Ông Putin sẽ thất bại”.

 

Tây Ban Nha

Tây Ban Nha đã bắt đầu trợ cấp tạm thời cho các nhà máy điện chạy nhiên liệu hóa thạch nhằm hạ giá bán trong ngắn hạn. Chính sách này dự kiến được áp dụng đến 31/5/2023.

Quốc gia trên bán đảo Iberia này còn giảm thuế đối với hóa đơn tiêu dùng và thông báo gói hỗ trợ trực tiếp cũng như các khoản vay mềm tổng trị giá 16 tỷ euro để giúp doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua thời kỳ giá năng lượng cao.