Châu Âu công bố kế hoạch giảm tiêu thụ khí đốt, đối phó với việc giảm nguồn cung từ Nga

Phương Lê 11:20 | 21/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các nước châu Âu đang được yêu cầu hạn chế tiêu thụ khí đốt tự nhiên ít nhất 15% cho đến mùa xuân năm sau, như một phần của kế hoạch lớn hơn để đối phó với nguồn cung giảm từ Nga.

Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, hôm thứ 20/7 đã trình bày một kế hoạch về cách các quốc gia có thể làm để chuẩn bị cho mùa đông, khi nhu cầu năng lượng của họ cao hơn nhiều.

Kế hoạch này được đưa ra khi tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga tuyên bố họ sẽ không thể thực hiện các hợp đồng khí đốt với EU. Đây là một vấn đề đau đầu đối với các quốc gia châu Âu vì họ quá phụ thuộc vào năng lượng của Nga trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết tại cuộc họp báo hôm 20/7: “Nga đang tống tiền chúng tôi. Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí. Và do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, dù là cắt giảm một phần khí đốt lớn của Nga hay cắt giảm toàn bộ khí đốt của Nga, châu Âu cần phải sẵn sàng ”. 

Kế hoạch này yêu cầu 27 quốc gia EU cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt của họ xuống 15% trong khoảng thời gian từ ngày 1/8 đến ngày 31/3/2023. Để đạt được điều đó, 27 chính phủ EU sẽ phải cập nhật kế hoạch khẩn cấp quốc gia của họ và báo cáo cho Ủy ban 2 tháng một lần về cách họ tiến triển đến mục tiêu của họ.

Ủy ban sẽ có thể đưa ra mục tiêu này (hiện là mục tiêu tự nguyện), trở thành bắt buộc đối với tất cả các quốc gia EU trong trường hợp thiếu khí đốt trầm trọng. Cho đến nay, 12 quốc gia thành viên đã bị giảm dòng khí đốt và một vài quốc gia khác đã hoàn toàn bị Nga ngừng cung cấp. 

 Bà Von der Leyen, chủ tịch EC. Ảnh: Getty Images. 

Bà Von der Leyen nói rằng việc Nga đóng cửa hoàn toàn nguồn cung cấp cho khối là một “kịch bản có thể xảy ra”. Do đó, bà nói thêm rằng bất kỳ sự gián đoạn nào sẽ gây ra hậu quả cho tất cả các quốc gia bất kể nhu cầu năng lượng của họ. Điều quan trọng là tất cả các quốc gia thành viên đóng góp vào việc tiết kiệm, tích trữ và sẵn sàng chia sẻ khí đốt với các quốc gia EU có thể cần đến.

Liên minh châu Âu đã chuẩn bị cho trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của châu Âu dường như đang tăng lên trong bối cảnh lo ngại về việc Nga sẽ giảm đáng kể hoặc chấm dứt hoàn toàn các dòng chảy sang châu Âu. 

Đường ống Nord Stream 1 - một điểm trung chuyển khí đốt quan trọng của Nga tới châu Âu - đã bị đóng cửa để bảo trì cho đến ngày 21/7. Tuy nhiên, nhiều quan chức châu Âu nghi ngờ rằng các dòng chảy sẽ khởi động lại hết công suất.

Gazprom, gã khổng lồ năng lượng của Nga, cho biết hôm 18/7 rằng họ không thể thực hiện các hợp đồng khí đốt với châu Âu do những tình huống không lường trước được. Công ty năng lượng Uniper của Đức đã bác bỏ lập luận của Gazprom.

Diễn biến mới nhất này làm tăng thêm lo ngại trước đó rằng Nga sắp ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt cho châu Âu sau khi dòng chảy đã thấp hơn 60% vào tháng trước.

Velina Tchakarova, giám đốc tổ chức AIES có trụ sở tại Áo, nói với CNBC: “Nga đang tăng cường cuộc chiến hàng hóa chống lại châu Âu bằng cách đóng băng nguồn cung cấp khí đốt thông qua Nord Stream 1".

Bà nói thêm rằng động thái này từ Nga "phải được coi là dự báo trước của một lệnh cấm vận khí đốt tổng thể trước mùa đông, vì công suất lưu trữ của châu Âu không được lấp đầy đến mức cần thiết, và chính phủ các nước châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga sẽ chịu áp lực kinh tế to lớn.

Các nền kinh tế châu Âu đang phải đối mặt với một triển vọng kinh tế ảm đạm với lạm phát ở mức kỷ lục và tăng trưởng đi xuống liên tục dưới nhiều áp lực. Nguyên nhân chính là cuộc khủng hoảng năng lượng, gây ra bởi xung đột Nga - Ukraine.

Kế hoạch chuẩn bị cho mùa đông sắp tới diễn ra khi Ủy ban cũng đang đẩy mạnh các giao dịch khí đốt với các khu vực khác trên thế giới. Hôm 18/7, EC đã công bố một thỏa thuận mới với Azerbaijan và trước đó họ đã ký các thỏa thuận với Mỹ.

Ủy viên năng lượng châu Âu Kadri Simson cho biết vào tháng 6 rằng mức độ nạp khí là hơn 56% nhưng một số quốc gia thành viên cần phải đạt được nhiều tiến bộ hơn trong những tuần tới để cải thiện mức công suất của họ. Trở lại vào tháng 3, ủy viên đã yêu cầu mục tiêu lưu trữ tối thiểu là 80% vào ngày 1/11.