Chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội được cấp phép trong quý I

Đông Bắc 14:45 | 25/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I/2023, cả nước chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới.

 

Tại buổi họp báo quý I/2023 chiều 24/4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tổ công tác Chính phủ đang tiếp tục làm việc các địa phương nhằm nhận diện những khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp cụ thể cho các doanh nghiệp. Các địa phương cũng đang tích cực vào cuộc trong việc gỡ vướng cho thị trường, doanh nghiệp.

Về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, đến nay, trên cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, tổng diện tích hơn 7,95 triệu m2.

Đang có 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn tiếp tục triển khai trên cả nước. Trong quý I/2023, cả nước có 1 dự án nhà ở xã hội với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới tại tỉnh Bình Định.

Ngoài ra, trong quý này cũng có 5 dự án với quy mô 1.908 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Có 4 dự án với quy mô 934 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.

Với dự án phát triển nhà ở thương mại, Bộ Xây dựng cho hay, có 14 dự án với 5.909 căn. Số lượng dự án bằng khoảng 50% so với quý IV/2022 và bằng khoảng 63,64% so với quý I/2022

 

 Chỉ có một dự án nhà ở xã hội được cấp phép trong quý I/2023. Ảnh BĐS.

Theo Bộ Xây dựng, qua số liệu tổng hợp của các địa phương báo cáo cho thấy nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý I/2023 vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV/2022.

Bộ Xây dựng đề nghị trong thời gian tới cần tập trung triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Phối hợp với các địa phương rà soát quỹ đất và đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp trên địa bàn. Bộ sẽ đôn đốc các địa phương tập trung triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03.4.2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết,  Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và thúc đẩy gói này. Theo đó, Bộ Xây dựng xin phép uỷ quyền công bố danh mục dự án nhà ở xã hội tại địa phương. Các dự án được giao đất, cấp phép… sẽ được UBND tỉnh công bố và ngân hàng căn cứ danh sách sẽ xem xét giải ngân đúng yêu cầu. Việc này sẽ thúc đẩy gói 120.000 tỷ đồng triển khai sớm vào thực tế và xác định đối tượng nhanh nhất.

Về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Vừa qua, khi tôi làm việc với TP HCM, trong 180 dự án nhà ở, có đến 80% dự án vướng mắc. Hà Nội có 170 dự án vướng mắc; Đà Nẵng có 75 dự án; Hải Phòng 65 dự án, Cần Thơ có 79 dự án . Các dự án này vướng mắc chủ yếu liên quan đến đất đai, xây dựng, quy hoạch, nhà ở. Nhiều vướng mắc thuộc thẩm quyền địa phương giải quyết.

Ông Sinh cho rằng, hiện nhiều dự án đang dừng thi công, nếu đưa vận hành thời gian tới sẽ gỡ khó cho doanh nghiệp, giúp tăng nguồn cung cho thị trường.

“Vừa qua, tôi trực tiếp vào Đồng Nai làm việc với 7 dự án vướng mắc. Khi làm việc với doanh nghiệp, Bộ Xây dựng bước đầu thấy khó khăn một số dự án. Trong đó có Novaland, Hưng Thịnh... Bộ Xây dựng đã làm việc với UBND tỉnh tháo gỡ ngay”, ông Sinh nói. Ông cũng cho biết, hiện việc đôn đốc giải quyết vướng mắc của các tổ công tác với địa phương bước đầu có tích cực hơn.

“Tôi tin thời gian tới nhiều dự án bất động sản được tháo gỡ, thúc đẩy nhiều nguồn cung cho thị trường, đồng thời thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội. Điều này tạo điều kiện phát triển thị trường bất động sản thời gian tới”, ông khẳng định tại buổi họp báo.

Doanh nghiệp bất động sản cần tìm thêm nguồn vay khác ngoài gói 120.000 tỷ đồng

Thảo luận tại Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023 diễn ra ngày 21/4 do Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức mới đây, GS. TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có những phân tích liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.

GS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng, Chính Phủ vừa có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực bất động sản hướng vào thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. Đặc biệt, gói tín dụng này cũng được Chính phủ chỉ đạo của ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn mức bình quân của 4 ngân hàng cho vay từ 1,5 đến 2%. Đây là nguồn vốn khá tốt ở thời điểm này và thời hạn cho vay cũng được xác định cho vay dài hạn.

Với mức lãi vay thấp hơn 2% là mức khá tốt trong bối cảnh các doanh nghiệp đang khó khăn về vốn như hiện nay. So với cái gói cho vay 30.000 tỷ đồng thời điểm năm 2010 thì chúng ta thấy rằng gói tín dụng ở giai đoạn này khác hơn nhiều. Gói tín dụng 30.000 tỷ trước đó ấn định ngay cho vay đối tượng là nhà ở xã hội với lãi suất thấp. Còn đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này là mức lãi vận hành trong các ngân hàng nhưng yêu cầu ở mức bình quân thấp hơn khoảng 1,5 đến 2%, xoay quanh đâu đó khoảng 8%. Với mức lãi vay 8% đối với vay bất động sản nói chung đã là điều tốt.

Hiện nay, không có doanh nghiệp bất động sản nào tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất vay dưới 10%. Do đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này được triển khai sẽ rất tốt cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đối với nhà ở cho người thu nhập thấp và đối tượng xã hội mà phải trả với cái mức vay 8 % thì cũng không phải là một cái mức dễ dàng, khó thanh khoản đối với những đối tượng này. 

 Do vậy, cần mở rộng các đội tượng để tiếp cận được gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Xây dựng, các đơn vị liên quan soát, lập các danh mục các cái dự án nào sẽ đủ điều kiện để tiếp cận gói tín dụng này. Đây là biện pháp tốt để tranh tình trạng là cho vay ưu đãi nhưng lại không có doanh nghiệp nào tiếp cận được.

Trong trường hợp này phải lập danh sách các dự án thuộc doanh nghiệp cụ thể để xác định cho vay.  Tất nhiên, gói tín dụng 120.000 tỷ so với bất động sản là quá nhỏ, không thấm vào đâu so tình hình chung.  Do vậy, tôi cho rằng  các doanh nghiệp bất động sản cần hướng đến nguồn vốn ổn định hơn và dài hạn hơn. Đó chính là khai thông  từ nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp, các quỹ đầu tư dài hạn.