Chủ tịch Sao Ta 'hiến kế' cứu giá tôm: Quan tâm đối thủ, chất lượng làm chủ đạo
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 900 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 3,47 tỷ USD, giảm gần 26%.
Nằm trong bối cảnh khó khăn chung của ngành, xuất khẩu tôm cũng bị tác động mạnh bởi sụt giảm kim ngạch tại một số thị trường chủ lực như Mỹ. Tính đến hết tháng 4, giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 891 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều áp lực khiến giá tôm giảm sâu, chưa thể phục hồi
Theo phân tích của TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT Sao Ta - tại website của VASEP , không chỉ sản lượng xuất khẩu giảm, giá thành mặt hàng này cũng giảm mạnh trong 2 tháng gần đây. “Ở từng góc nhìn sẽ đưa ra các yếu tố tác động giá tôm khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều thống nhất ở yếu tố khách quan. Đó là lạm phát, suy thoái toàn cầu khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; đó là mức cung ứng tôm giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ ngày càng nhiều tạo áp lực quá lớn để giá cả không thể phục hồi. Đồng thời các kho hàng của các hệ thống phân phối lớn các thị trường tiêu thụ lớn còn khá đầy” - ông Lực nhận định.
Phân tích kỹ hơn, Chủ tịch HĐQT Sao Ta cho biết, các nước Ecuador, Ấn Độ đều đưa ra tỷ lệ nuôi thành công cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với tỷ lệ nuôi thành công của ta. Do đó, họ có giá mua tôm thương phẩm từ các nhà chế biến thấp hơn giá các nhà chế biến Việt Nam mua từ tôm của nông dân từ 10.000 đến 30.000 đồng/kg.
Xét về khâu chế biến và bán hàng, giá bán của các nước trên rất thấp, bởi trình độ chế biến không bằng Việt Nam. Giá các doanh nghiệp bán cao nhất so các đối thủ và đến chủ yếu từ tôm chế biến sâu. Năng lực chế biến của các nhà chế biến nước ta cao nên mới “kham” được việc mua tôm thương phẩm cao hơn so các nước khác.
Xét về chủ quan, Chủ tịch HĐQT Sao Ta cho rằng “các mắt xích hình thành chuỗi giá trị con tôm” còn nhiều vấn đề. Phía nhà chế biến thì cho rằng tỷ lệ nuôi thành công thấp khiến giá thành tôm nuôi cao đội giá thế giới nên khó tiêu thụ. Còn phía người nuôi lại cho rằng nhà cung ứng tôm giống không sạch bệnh khiến tôm nuôi bị thiệt hại.
Ngoài ra, việc nuôi tôm còn nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Điều này dẫn đến lây chiễm chéo, không đủ nước sạch nuôi tôm. Ngoài ra còn gây ô nhiễm môi trường cục bộ vì không đủ đất cho hệ thống xử lý nước thải.
“Chất lượng con giống kém và thiếu nước sạch nuôi tôm là căn bản tạo nên tình cảnh hệ số thu hồi đầu con thấp, năng suất thấp, dĩ nhiên giá thành phải tăng lên. Song song đó, giá thành tăng lên còn do người nuôi thiếu vốn phải nhận sự đầu tư từ thương lái, phí tổn đầu vào tăng lên vài chục phần trăm là lẽ thường” - ông Lực thẳng thắn nhìn nhận.
Giải pháp nào để “giải cứu” giá tôm?
Từ thực trạng trên, TS Hồ Quốc Lực cho rằng cần tìm ra được giải pháp cho sự tham gia của các mắt xích chuỗi giá trị con tôm, nhất là mắt xích con giống và chế biến tiêu thụ.
Nhà cung ứng giống phải làm sạch lực lượng mình, thông qua thực thi bộ tiêu chí được thống nhất. Từ đó công khai những cơ sở uy tín có sản phẩm chất lượng để người nuôi có thể chọn lựa.
Phía nhà chế biến phải hỗ trợ thông tin tình hình thị trường, giá cả thế giới để các mắt xích còn lại tham khảo. Đồng thời nỗ lực tiết kiệm giảm giá thành, cố gắng tạo ra sản phẩm mới thu hút người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm có thêm thặng dư mua giá tôm thương phẩm tốt hơn. Ngoài ra là giảm thiểu mua tôm nguyên liệu từ nước ngoài, tập trung ủng hộ tôm thương phẩm trong nước.
Đồng bộ với các giải pháp trên là sự nỗ lực hơn của vai trò quản lý nhà nước. Việc quản lý kiểm soát, lưu thông, tiêu thụ tôm phải chặt chẽ, quyết liệt. Thậm chí cũng nên xem xét giá cả cung ứng của các yếu tố đầu vào nuôi tôm, quan trọng nhất là giá thức ăn. Dài hạn hơn là việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng các vùng nuôi trọng điểm.
Tiếp theo là lo vốn cho người nuôi. Theo ông Lực, "nút thắt cổ chai" này cũng là điểm nghẽn đáng kể. Ngân hàng thương mại khó có thể cho vay, trong khi nhu cầu vốn nuôi tôm là con số không nhỏ. Tuy nhiên, nội dung này đang được giải quyết khá tốt qua sự linh hoạt trong chính hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Lực cho biết, từ năm 2018 đã hình thành một chuỗi mới là sự liên kết giữa các yếu tố đầu vào, ngân hàng, đại lý mua tôm và người nuôi. Ban đầu chuỗi này do CTCP Chăn nuôi C.P. Việt Nam đi tiên phong. Kết quả nhiều năm qua khá khả quan. Các nhà cung ứng khác đã hình thành chuỗi liên kết tương tự và có mô hình nuôi riêng cho mình, và tất cả đã góp phần vực dậy một bộ phận không nhỏ người nuôi, giúp duy trì sản lượng tôm nuôi và có phát triển nhẹ các năm qua. Do vậy, người nuôi nên chú trọng hợp tác với các chuỗi này.
“Tóm lại, chúng ta tập trung quan tâm đối thủ, quan tâm tình hình thị trường thế giới và đủ thông tin tới tất cả các bên tham gia chuỗi giá trị con tôm. Các mắt xích phải biết sàng lọc lực lượng của mình, lấy chất lượng làm chủ đạo, nhất là con giống và tất cả phải đoàn kết, chung tay vì sự tồn tại lâu dài của cả ngành để có cách ứng xử phù hợp. Và hơn tất cả, Chính phủ và Bộ ngành liên quan cần có sự quan tâm thoả đáng hơn tới con tôm thông qua các định chế quản lý, có cập nhật chặt chẽ hơn. Trước mắt tập trung vào quản lý con giống và nâng mức đầu tư thuỷ lợi các vùng nuôi tôm trọng điểm. Lâu dài là sớm đi vào thực tế chiến lược phát triển thuỷ sản nói chung, con tôm nói riêng tới năm 2030, tầm nhìn 2045” - Nguyên Chủ tịch VASEP khẳng định.