Cổ phiếu Logistic được kỳ vọng là điểm sáng cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021

11:46 | 01/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, cổ phiếu Logistic được kỳ vọng sẽ là điểm sáng cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021.
Bất chấp những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, thị trường xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng tốt. Theo số liệu thống kê của Công ty chứng khoán FPT (FPTS) trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 440,1 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 230 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 210,3 tỷ USD, tăng 0,3%.
 
Cổ phiếu Logistic được kỳ vọng là điểm sáng cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 - ảnh 1
 
Sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bất chấp ảnh hưởng dịch Covid-19 cùng việc gia nhập nhiều tổ chức, hiệp định thương mại đã khiến giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu Logistic. Từ đầu năm tới nay, các cổ phiếu trong lĩnh vực này như VSC, GMD, DVP, DXP, SFI, HAH…có mức tăng trưởng hàng chục phần trăm, thậm chí nhiều cổ phiếu đã vượt đỉnh lịch sử.
 
Các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp logistics cũng dần trở lại trong quý III/2020 sau giai đoạn “đứng hình” trước đó do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Dữ liệu từ VietstockFinance cho biết, trong tổng số 28 doanh nghiệp logistics niêm yết công bố báo cáo tài chính quý III/2020, có 10 doanh nghiệp báo lãi giảm, 1 doanh nghiệp ôm lỗ, 10 doanh nghiệp có lãi tăng, 5 doanh nghiệp “dậm chân tại chỗ” và 2 doanh nghiệp thoát lỗ.

Một yếu tố có thể khiến cổ phiếu Logistic tăng mạnh thời gian gần đây đến từ việc thiếu hụt container rỗng. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hiện có đến 40% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc giao nhận container rỗng tại các nơi tập kết container và khi chủ hàng đến nhận mới được thông báo báo là chưa có. 43% doanh nghiệp cho biết là do bộ phận đặt chỗ với hãng tàu cho thuê container rỗng vượt số lượng cho phép và 17% do bộ phận kinh doanh chưa tiếp cận thuê container rỗng được từ hãng tàu.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác xuất nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng dương kể từ tháng 6/2020. Do vậy, trong trung và dài hạn, xuất nhập khẩu được kỳ vọng dẽ diễn biến tích cực.

Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều tiềm năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi dòng vốn FDI đăng ký mới và FDI giải ngân trong 10 tháng đầu năm 2020 lần lượt giảm 18,9% và 3,1% so với cùng kỳ.
 
Hơn nữa, các hiệp định thương mại (FTA) vừa được ký kết như FTA Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong tương lai, kéo theo đó là nhu cầu logistics tăng trưởng vượt bậc.

Ông Đinh Hữu Thạnh - Tổng giám đốc Bee Logistics đánh giá, trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, logistics Việt Nam là thị trường rất “béo bở”, nhất là khi EVFTA đã có hiệu lực khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao.
 
Mỹ Duyên