Có thể tạm dừng 1 lò cao, dự báo sản lượng tiêu thụ thép xây dựng Hòa Phát khó đột biến về cuối năm

Thùy Dương 15:41 | 05/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Liên quan đến thông tin Hòa Phát có thể tạm dừng 1 lò cao số 3 ở Hải Dương trong tháng 9, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng điều này có thể khiến sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát khó đột biến trong các tháng tiếp theo.

Hòa Phát có thể tạm dừng 1 lò cao từ tháng 9

Theo đó, Hòa Phát  có tổng cộng 7 lò cao, hiện đã vận hành 6/7 lò luyện thép gồm: 3 lò BOF (lò chuyển oxy kiềm) tại Hải Dương, 3 lò BOF tại Dung Quất và 1 lò EAF (lò hồ quang điện) tại Hưng Yên với tổng công suất vận hành ước đạt 85% tổng công suất thiết kế.

Nhìn lại quá trình hoạt động của các lò cao, tháng 11 năm ngoái, tập đoàn đã dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Dung Quất và 2 lò cao ở Hải Dương nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của cả tập đoàn trước diễn biến kém khả quan từ thị trường. Tuy nhiên, các lò cao không đóng cửa hoàn toàn mà chỉ duy trì nhiệt độ ở mức thấp nhất để tối ưu hóa chi phí. Tại thời điểm đó, ban lãnh đạo cho biết, chi phí để khởi động lại lò cao khoảng 30 - 40 tỷ đồng/lò.

Sang đầu năm nay, khi cơn bĩ cực của ngành thép  dần qua, các lò cao lần lượt được mở lại nhưng theo một lộ trình nhất định chứ không mở ồ ạt. Phát biểu của ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc công ty hồi đầu quý II cho biết, việc chạy lại các lò cao phải dựa trên tình hình thị trường. Khi sức tiêu thụ thấp, giá nguyên vật liệu vẫn cao thì vẫn phải duy trì chính sách tồn kho thành phẩm thấp để giảm thiểu rủi ro khi giá nguyên vật liệu giảm. Theo thông tin từ tập đoàn, lò cao cuối cùng tại Dung Quất với công suất năm là 1,4 triệu tấn vừa được mở lại vào đầu tháng 7/2023.

Tuy nhiên hồi đầu tháng 8/2023, SSI Research thông tin Hòa Phát sẽ tạm dừng lò cao số 3 tại tổ hợp Hải Dương nhằm mục đích bảo trì định kỳ và nâng cấp công suất khai thác thêm khoảng 150.000 tấn/năm. Cụ thể, lò có công suất sản xuất khoảng 1,2 triệu tấn/năm (tương đương 14% tổng công suất) sẽ được tạm dừng từ tháng 9 này và dự kiến đến hết năm 2023. 

Như vậy, khi toàn bộ hệ thống trở lại vận hành chưa được bao lâu, Hòa Phát đã công bố kế hoạch bảo trì, tạm đóng 1 lò cao trong tháng 9/2023.

Dự báo sản lượng thép khó bứt phá những tháng cuối năm

Trong báo cáo ngày 23/8, CTCK VNDIRECT nhận thấy sự trở lại của các lò cao diễn ra trong bối cảnh Hòa Phát nhận nhiều tín hiệu tích cực theo thị trường chung. Theo đó, sản lượng tiêu thụ thép của Việt Nam đã được cải thiện trong giai đoạn tháng 5 - 7/2023.

Cụ thể, dữ liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tổng sản lượng tiêu thụ thép (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ  và ống thép) trong tháng 5 đạt 1,3 triệu tấn, tăng 18% so với tháng trước, đồng thời là mức cao nhất kể từ tháng 12/2022. Mặc dù sản lượng tiêu thụ có phần hạ nhiệt trong tháng 6 - 7 sau đó, tuy nhiên vẫn cao hơn so với mức trung bình quý đầu năm nay. Sản lượng tiêu thụ ống thép và tôn mạ vẫn liên tục cải thiện so với tháng trước đó. Vì mùa mưa tại miền Nam thường diễn ra từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm, không thuận lợi cho các hoạt động xây dựng nên VNDIRECT đánh giá sản lượng tiêu thụ sẽ tiếp tục được cải thiện trong nửa cuối năm 2023.

Về thị trường xuất khẩu thép cuộn cán nóng (HRC), tập đoàn đã có đơn hàng tiêu thụ cho đến hết tháng 9, VDSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ HRC của công ty có thể đạt 1,1 triệu tấn trong các tháng cuối năm (tương đương so với nửa đầu năm).

Phía CTCK SSI Research cũng cho rằng điều này có thể giúp sản lượng tiêu thụ HRC của công ty duy trì ổn định trong quý III ở mức trung bình 250 nghìn tấn/tháng.

Sản lượng HRC trong tháng vừa qua đạt cao là nhờ nhu cầu của mặt hàng này trên thị trường có tín hiệu tích cực, đặc biệt là trên thị trường xuất khẩu. Tập đoàn đã xuất khẩu HRC tới nhiều nước ở khu vực châu Âu, châu Á.

Tuy nhiên, so với các tháng trước, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường này có thể giảm tốc do tiêu dùng chậm lại và hàng nhập khẩu giá rẻ từ châu Á. Điều này có thể được phản ánh thông qua việc giá thép tại các thị trường này giảm hơn 20% so với mức đỉnh trong tháng 4/2023. Chênh lệch giữa giá HRC tại thị trường Mỹ và Châu Âu so với Việt Nam theo giá trị tuyệt đối cũng đã thu hẹp đáng kể gần 60%, lần lượt từ 350-700 USD/tấn tại thời điểm cuối tháng 4 xuống mức 180-400 USD/tấn vào cuối tháng 6.

Đồng quan điểm tích cực, VNDIRECT nhận định hoạt động xuất khẩu sẽ hỗ trợ sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát trong giai đoạn nửa cuối năm nay đến đầu năm 2024.

Trong quý II vừa qua, HPG đã bán gần 1,8 triệu tấn thép, tăng 11,3% so với quý trước đó chủ yếu nhờ sản lượng HRC tăng mạnh 52,3% so với quý trước, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu.

Sản lượng tiêu thụ quý II của HRC đạt 734.221 tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ và tăng 52,3% so quý trước. Trong đó, sản lượng xuất khẩu tăng mạnh lên 344.574 tấn, tương ứng tăng 520% so với quý I/2023 và so với mức 0 cùng kỳ 2022, chiếm 46,9% tổng sản lượng tiêu thụ quý II/2023. Sản lượng xuất khẩu mạnh mẽ đã bù đắp sự ảm đạm của thị trường nội địa, khi giảm 8,7% so với quý trước xuống 389.647 tấn.

Các chuyên gia nhận định xuất khẩu HRC vẫn là điểm sáng trong tháng 7 với 181.451 tấn, tăng 85,2% so với tháng trước. Tổng sản lượng tiêu thụ HRC trong tháng 7 ghi nhận đạt 291.046 tấn, tăng 15,7% so tháng trước và là mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.

 

 

 

Tuy nhiên, các chuyên gia CTCK Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo mới nhất cảnh báo rằng việc bảo trì và nâng cấp công suất lò cao Hải Dương sẽ khiến sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát khó có đột biến trong các tháng tiếp theo.

Bên cạnh đó, VDSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng 6 tháng cuối năm nay có thể đạt 1,7 triệu tấn (tương đương nửa đầu năm 2023), khi thị trường bất động sản trong nước vẫn sẽ chỉ chính thức phục hồi từ cuối quý IV năm nay, đi cùng nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng tăng trưởng trở lại trong năm sau.