Còn nhiều khó khăn trong phát triển phân khúc nhà ở xã hội

16:39 | 27/11/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Dù nhu cầu rất cao nhưng nhiều dự án nhà ở xã hội (NƠXH) vẫn đang bị “đóng băng”, triển khai chậm chạp. Theo các chuyên gia, sở dĩ tình trạng như vậy vì còn nhiều vướng mắc trong các thủ tục triển khai, lợi nhuận bị khống chế, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến nhà ở xã hội.

Theo số liệu của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, cả nước hiện có trên 1,2 triệu công nhân, lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở. Chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh đã có khoảng 377.000 công nhân lao động đang làm việc tại 17 khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao và 21 cụm công nghiệp cần chỗ ở nhưng TP. Hồ Chí Minh mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ có khoảng 1,7 triệu lao động tại các khu chế xuất - khu công nghiệp, trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50%, nhiều nhất là Bình Dương (hơn 90%), TP. Hồ Chí Minh (62%), Đồng Nai (60%)...

Còn nhiều khó khăn trong phát triển phân khúc nhà ở xã hội - ảnh 1
 Còn nhiều khó khăn trong phát triển phân khúc nhà ở xã hội.
Trước nhu cầu bức thiết về nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân lao động, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định nhằm hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Thế nhưng, đến nay, số lượng các dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân... vẫn còn khiêm tốn. Số liệu từ Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho thấy, hiện mới có 100 dự án nhà ở công nhân hoàn thành, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ, bố trí cho khoảng 330.000 người lao động. Con số này mới chỉ đáp ứng khoảng 28% so với nhu cầu.
Trong khi đó, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường thời gian gần đây cũng rất hạn chế. Điều đáng nói là có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn hộ nhưng hầu hết đều bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại.
Đánh giá về thực trạng NƠXH hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ quan điểm: Các mảng phân khúc nhà hiện nay nói chung đang phát triển tốt, được thị trường đón nhận tốt. Nhưng khi khảo sát tại địa phương thì có thực tế nhu cầu về NƠXH rất lớn nhưng triển khai chậm, nhiều bất cập, khó khăn. Trong đó một phần khó khăn đến từ chính sách. Mặc dù Chính phủ đã có nghị định triển khai NƠXH nhưng đến khâu triển khai thì còn tắc ở đâu đó.
Ông Thành cho biết thêm, khi tiếp cận thị trường quốc tế có tới 80% là NƠXH, nhà ở cao cấp chỉ chiếm 20%; còn Việt Nam thì ngược lại, có thể là do thị trường Việt Nam phát triển và do dân mình giàu hơn. Nhưng với việc phát triển NƠXH có lẽ là do chính sách. Do đó, chính sách cần đi vào thực tiễn hơn. Đặc biệt, muốn để thị trường phát triển bền vững mạnh mẽ hơn thì cần đẩy phân khúc NƠXH mạnh mẽ hơn.
Còn nhiều khó khăn trong phát triển phân khúc nhà ở xã hội - ảnh 2
 Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng: Về thị trường bất động sản nói chung, so sánh giữa quý III với quý II năm nay, các loại hình như căn hộ, văn phòng... ghi nhận rất nhiều giao dịch thành công. Đặc biệt tại TP.HCM, Hà Nội, hay các tỉnh có thị trường bất động sản phát triển như Khánh Hòa, Quảng Ninh, thì có khoảng 28.000-29.000 giao dịch thành công, tăng 58,3% so với quý II. Số lượng giao dịch thành công các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng như condotel, biệt thự du lịch cũng tăng 79,9%.
Nguồn cung nhà ở cũng tăng. Trong quý III, có 69 dự án với khoảng 30.000 căn hộ được chào bán. Đầu năm 2019 có những vướng mắc liên quan đến hoàn thành sản phẩm, nhưng các chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã tháo gỡ. Đến quý III và quý IV, lượng sản phẩm giao dịch nhiều. Các sản phẩm đưa ra đều giao dịch thành công vì đánh trúng vào thị trường. Cùng lúc đó, chỉ số giá luôn luôn tăng. Ở TPHCM chỉ số giá chung cư tăng 0,2%, cao cấp giảm 0,12%, bình dân tăng khoảng 0,16%, nhà ở riêng lẻ tăng 0,2%.
Do đó, ông Khởi cho biết thêm, hiện Bộ Xây dựng và Chính phủ đã nhận định, chính sách với bất động sản không thiếu. Nhưng với phân khúc NƠXH, phát triển NƠXH tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, phát triển NƠXH còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Trong Luật Nhà ở, quy định Nhà nước dành lượng vốn nhất định cho vấn đề này. Giai đoạn có nguồn vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng chúng ta đã làm tốt, nhưng trong thời gian này Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất tăng thêm nguồn vốn mấy nghìn tỷ nữa nhưng vẫn chưa quyết được.
Tiếp theo khó khăn là trong triển khai thực hiện tại địa phương, có địa phương quan tâm nhưng có địa phương không quan tâm, đất có nhưng không làm. Bên cạnh đó, việc chọn địa điểm NƠXH, cũng có địa phương lựa chọn không phù hợp, dẫn đến không phát triển được dự án hoặc có phát triển dự án nhưng không có nhiều người về ở.