Công ty riêng của ông Lê Phước Vũ rút khỏi Hoa Sen
Trong phiên giao dịch chiều 24/6, cổ phiếu HSG có 5 lệnh giao dịch thoả thuận với tổng khối lượng đúng bằng số cổ phiếu mà công ty này đăng ký bán trước đó để giải quyết nhu cầu tài chính. Các lệnh được thực hiện tại giá sàn 14.100 đồng, trong khi thị giá HSG hôm qua có thời điểm chạm trần 16.200 đồng.
Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen thu được 250 tỷ đồng, sau đó không còn sở hữu cổ phần nào tại HSG.
Đáng chú ý, đây là toàn bộ lượng cổ phiếu HSG mà Công ty Đầu tư Hoa Sen nắm giữ, tương đương 3,6% vốn doanh nghiệp. Sau giao dịch, công ty riêng của ông Vũ đã không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu HSG nào.
Tuy vậy, thông qua sở hữu cá nhân, ông Lê Phước Vũ vẫn đang là cổ đông lớn nhất tại Hoa Sen với 84,3 triệu cổ phiếu HSG nắm giữ, tương đương 17% cổ phần tập đoàn. Tạm tính theo giá thị trường, lượng cổ phiếu HSG do ông Vũ nắm giữ có giá trị khoảng 1.340 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty Đầu tư Hoa Sen đã đăng ký thoái toàn bộ vốn khỏi Tập đoàn Hoa Sen khi thị giá cổ phiếu này giảm mạnh từ đầu năm cùng với nhóm cổ phiếu ngành thép và thị trường chung.
Từ vùng giá 37.500 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, thị giá HSG đã giảm một mạch về vùng 14.500 đồng trước thời điểm Công ty Đầu tư Hoa Sen đăng ký thoái vốn, tương đương mức giảm ròng hơn 61%. Thậm chí, nếu tính từ đỉnh giá ghi nhận hồi tháng 10/2021, cổ phiếu HSG đã giảm một mạch hơn 70%. Sau khi thông tin công ty riêng của ông Vũ muốn thoái vốn xuất hiện, cổ phiếu HSG lại ghi nhận xu hướng tăng gần 8%.
Thực tế, ông Lê Phước Vũ đã nhiều lần bày tỏ ý định thoái sạch vốn khỏi Hoa Sen để về ở ẩn. Trong đó, vị doanh nhân này dự kiến lui về ở ẩn sau khi hoàn tất tái cấu trúc tập đoàn này từ doanh nghiệp sản xuất trở thành nhà phân phối vật liệu xây dựng lớn nhất thị trường.
Về kết quả kinh doanh, sau 6 tháng đầu của niên độ tài chính 2021-2022, Hoa Sen ghi nhận 29.594 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn lại giảm gần một nửa so với cùng kỳ, chỉ đạt 873 tỷ. Nguyên nhân chính dẫn tới đà suy giảm này là biến động giá nguyên liệu đầu vào khiến giá vốn tăng cao.
Năm nay, HĐQT Hoa Sen chỉ đặt ra kế hoạch lợi nhuận thận trọng với khoảng 1.500-2.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với mức lãi năm 2021. Như vậy, sau nửa niên độ tài chính, Hoa Sen đã hoàn thành 58% kế hoạch lợi nhuận tối thiểu và 44% kế hoạch tối đa.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/6, cổ phiếu HSG tăng 750 đồng lên 15.900 đồng/cổ phiếu.