CPI tháng 8 chỉ tăng 0,005%, dự báo lạm phát cả năm dưới mục tiêu

Diên Vỹ 10:31 | 29/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng 7 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước.

 

CPI tháng 8 tăng 0,005%

Tổng cục Thống kê lý giải chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước là do giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và bước sang năm học mới 2022-2023, học phí giáo dục tại một số địa phương tăng trở lại, tuy nhiên giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7 dẫn đến mức tăng không lớn.

So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 8 tăng 2,89%. 

Đóng góp vào mức tăng 0,005% của CPI tháng 8 là đà tăng giá của 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ cơ bản. 

Cụ thể, nhóm giáo dục tăng cao nhất với 1,46%, trong đó chỉ số giá dịch vụ giáo dục tăng 1,51% so với tháng trước do trong tháng một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2022-2023 đối với các trường mầm non, trường trung cấp, cao đẳng và đại học. Bên cạnh đó, chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng. 

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,05% và làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm, trong đó: Lương thực tăng 0,19%; thực phẩm tăng 1,33% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,73%. 

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,43% tập trung chủ yếu ở các nhóm: giá dịch vụ du lịch trong nước tăng 0,94%; du lịch ngoài nước tăng 0,09% và khách sạn, nhà khách tăng 0,25% do nhu cầu du lịch tăng trong tháng hè…

Ngoài ra, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,27%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,26%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,21%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2% và nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,18%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%.

Chỉ có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, bao gồm nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01% và nhóm giao thông giảm mạnh 5,51% (làm CPI chung giảm 0,53 điểm phần trăm).

Trong đó, nhóm giao thông ghi nhận chỉ số giá giảm mạnh do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 1/8, 11/8 và 22/8 làm cho giá xăng giảm 14,52%; giá dầu diezen giảm 12,9%. 

Lạm phát cơ bản sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục của tháng 8 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,06% so với cùng kỳ năm trước. 

Bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 1,64%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,58%), phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu. 

 

Dự báo lạm phát cả năm dưới 4%

Mặc dù nhận định áp lực lạm phát tăng dần về cuối năm, đa số các tổ chức nghiên cứu đều cho rằng CPI Việt Nam cả năm nay nhiều khả năng vẫn được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4%.

Cụ thể, tại báo cáo vĩ mô và thị trường mới nhất công bố ngày 3/8, Chứng khoán BIDV (BSC) duy trì dự báo CPI năm 2022 tăng 3,8% trong kịch bản tích cực và 5,5% trong kịch bản tiêu cực.  Các giả định chính mà nhóm chuyên gia BSC đưa ra cho hai kịch bản này là giá dầu Brent trung bình dao động quanh ngưỡng 100-120 USD/thùng, giá lợn giao dịch trong vùng từ 60.000 – 80.000 VND/kg; giá dịch vụ y tế, giá điện tăng trở lại trong kịch bản tiêu cực và đi ngang trong kịch bản tích cực. 

Còn Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) thì nhận định rủi ro lạm phát ngày càng gia tăng do 3 yếu tố chính. Một là giá cả lương thực đang gia tăng do thời tiết xấu, giá cả vận chuyển tăng, chịu ảnh hưởng chiến tranh Nga-Ukraine. Bên cạnh đó, sự tăng giá hàng hóa và nguyên vật liệu đầu vào có khả năng kéo dài do nhu cầu tiêu dùng hồi phục trong khi nguồn cung bị đứt gãy. Cuối cùng, áp lực lạm phát cũng có xu hướng tăng do tác động của gói hỗ trợ lớn của Chính phủ, kèm theo tăng trưởng tín dụng cao. 

“Tuy vậy, các chính sách đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định thị trường của Chính phủ, đi kèm nỗ lực điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của NHNN sẽ góp phần kiềm chế lạm phát. Do vậy chúng tôi vẫn giữ nguyên dự phóng lạm phát cuối năm 2022 khoảng 3,9%, so với mức dự phóng của các tổ chức là 3,6%”, nhóm nghiên cứu MAS nêu rõ trong báo cáo phân tích.

Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này gần đây cũng cập nhật hai kịch bản lạm phát. Kịch bản thứ nhất, với giả định giá xăng bình quân năm 2022 tăng 40% so với năm 2021, dự báo CPI cả năm tăng khoảng 3,37%. Kịch bản hai, với giả định giá xăng bình quân năm 2022 tăng 45% so với năm 2021, dự báo CPI cả năm tăng 3,87%.