Credit Suisse tròng trành trước sóng dữ
Giá cổ phiếu của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse đã giảm xuống mức thấp mới trong phiên 3/10, làm dấy lên nhiều lo ngại rằng ngân hàng này có thể đối mặt với tình huống tương tự như vụ Lehman Brothers trước đây.
Ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ này đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm 11,5% xuống mức thấp kỷ lục 3,518 franc Thụy Sĩ/cổ phiếu (3,563 USD/cổ phiếu), sau một loạt tin đồn mới xung quanh ngân hàng đang vướng vào bê bối này.
Tờ The Sunday Telegraph của Anh đưa tin Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đang liên lạc với các nhà chức trách Thụy Sĩ để giám sát Credit Suisse. Và nhật báo Financial Times cho biết các giám đốc điều hành cấp cao, trong những ngày gần đây, đã tìm cách trấn an các khách hàng và nhà đầu tư lớn về khả năng thanh khoản và vị thế vốn do những lo ngại về “sức khỏe” tài chính của ngân hàng này.
Giám đốc điều hành của Credit Suisse, Ulrich Koerner, người chịu trách nhiệm hồi sinh ngân hàng này, đã gửi thông báo nội bộ cho nhân viên ngày 30/9 nhằm xoa dịu những lo ngại của họ, đồng thời cảnh báo có "nhiều thông báo không chính xác về tình hình thực tế về ngân hàng được đưa ra."
Chưa rõ thông điệp này có giúp trấn an đội ngũ nhân viên hay không, song nó dường như đã thu hút chú ý nhiều hơn vào giá cổ phiếu đang biến động mạnh của ngân hàng này trong những tuần gần đây và khiến các nhà đầu tư thêm lo lắng.
Kế hoạch chuyển đổi
Những lo ngại xung quanh "kế hoạch chuyển đổi" mà ông Koerner sẽ trình bày vào ngày 27/10 tới đã khiến cổ phiếu của ngân hàng này lao dốc, làm gia tăng bất ổn sau hai năm liên tiếp xảy ra các vụ bê bối và khủng hoảng.
Ngân hàng này đặc biệt bị tác động mạnh trước sự sụp đổ của công ty tài chính Greensill của Anh năm 2021, và sau đó là sự sụp đổ của quỹ Archegos của Mỹ. Kể từ tháng 3/2021, giá cổ phiếu của Credit Suisse đã mất 70% giá trị.
Một dấu hiệu cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng là giá hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) trên trái phiếu của ngân hàng này đã bất ngờ tăng mạnh trong tuần trước.
Các sản phẩm tài chính phái sinh này có xu hướng được các nhà đầu tư sử dụng để phòng vệ trước tình trạng vỡ nợ thanh toán, một dấu hiệu xấu đối với uy tín tín dụng của Credit Suisse.
“Bóng ma” Lehman Brothers
Trên các mạng xã hội, vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ đang được thảo luận sôi nổi, bởi vụ việc này châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng có rất ít rủi ro xảy ra một cú nổ mang tên Credit Suisse.
Credit Suisse nằm trong số các ngân hàng trên toàn thế giới được cho là "quá lớn để sụp đổ" sau khi Lehman Brothers vỡ nợ và buộc phải trích lập dự phòng lớn để đảm bảo có thể chống chọi với các cuộc khủng hoảng trong tương lai mà không ảnh hưởng đến phần còn lại của lĩnh vực ngân hàng.
Ipek Ozkardeskaya, một nhà phân tích của Swissquote, dự tính ba kịch bản, bao gồm việc giám đốc mới của ngân hàng này có thể đưa ra “một phép màu” và nhanh chóng củng cố Credit Suisse như đã hứa. Kịch bản thứ hai liên quan đến việc ngân hàng có trụ sở tại Zurich trở thành "một mục tiêu tiếp quản và bị ngân hàng khác “nuốt chửng,” trong khi kịch bản thứ ba là Chính phủ Thụy Sĩ sẽ ra tay cứu ngân hàng này.
Cho đến nay, ngân hàng này vẫn chưa cung cấp thông tin chi tiết về "kế hoạch chuyển đổi" sắp tới, ngoài việc gợi ý rằng ngân hàng này có thể bán tài sản. Tuy nhiên, ngay cả một vài chi tiết như vậy cũng đã làm dấy lên lo ngại, trong đó các nhà phân tích của Jefferies cảnh báo rằng "việc bán tài sản không phải là giải pháp cho vấn đề thiếu vốn tiềm ẩn."
Mặc dù việc bán tài sản có thể “tạo ra vốn,” nhưng nó có thể làm giảm khả năng tạo thu nhập trong tương lai. Nhưng việc bán tài sản "là bước đầu tiên và là biện pháp 'câu giờ' cho đến khi cổ phiếu phục hồi và triển vọng tốt hơn."
Ông Koerner nói rằng “Chúng tôi đang trong quá trình định hình lại Credit Suisse cho một tương lai lâu dài, bền vững”.