Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ mua lại Credit Suisse với giá 3,2 tỷ USD

Đông Bắc 08:04 | 20/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ là UBS đã đồng ý mua lại ngân hàng lớn thứ hai là Credit Suisse với giá 3 tỷ CHF, tương đương 3,2 tỷ USD.

 

Ngày 19/3, UBS Group đã đồng ý mua lại đối thủ đang chìm trong khủng hoảng Credit Suisse với giá 3,2 tỷ USD, thương vụ được thực hiện hoàn toàn bằng cổ phiếu, không sử dụng tiền mặt. Nhà đầu tư sở hữu 22,48 cổ phiếu Credit Suisse sẽ được đổi lấy 1 cổ phiếu UBS.

Quá trình hợp nhất dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2023. Theo UBS, ngân hàng sau sáp nhập sẽ quản lý tổng cộng 5.000 tỷ USD tài sản, bao gồm tài sản thuộc sở hữu của ngân hàng cũng như tài sản của các khách hàng và nhà đầu tư ở các quỹ.

Truyền thông quốc tế (WSJ) gọi thương vụ này là "cuộc siêu sáp nhập" đầu tiên của các ngân hàng quan trọng trên toàn cầu về mặt hệ thống sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Theo thỏa thuận, Chính phủ Thụy Sỹ sẽ cấp hơn 9 tỷ USD để bù đắp một số tổn thất mà UBS có thể phải gánh chịu khi tiếp quản Credit Suisse. Còn Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ hỗ trợ hơn 100 tỷ USD thanh khoản cho UBS.

 UBS đồng ý mua Credit Suisse với giá 3,2 tỷ USD. Ảnh AFP/Getty Images.

Phát biểu tại cuộc họp báo được tổ chức ở thủ đô Bern diễn ra chiều 19/3, Tổng thống Thụy Sỹ Alain Berset giải thích rằng hôm 17/3, dòng tiền chảy ra và biến động trên thị trường cho thấy Credit Suisse không còn khả năng khôi phục niềm của tin thị trường. "Một giải pháp nhanh chóng và ổn định là điều cần thiết. Đó là để UBS tiếp quản Credit Suisse", ông cho hay.

Bộ trưởng Tài chính Thụy Sỹ Karin Keller-Sutter khẳng định đây không phải gói cứu trợ mà là một giải pháp thương mại. "Credit Suisse sẽ gây ra thiệt hại lớn về tài sản thế chấp trên thị trường tài chính Thụy Sỹ và có nguy cơ lan ra quốc tế", bà nói.

Bà cũng cho biết đã liên lạc với "các đồng nghiệp tại Anh và Mỹ". "Họ cảm ơn giải pháp này vì thực sự lo ngại Credit Suisse sẽ phá sản", Keller-Sutter nói.

Trong buổi họp báo, Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann nói rằng những rắc rối ngân hàng gần đây ở Mỹ đã vượt quá sức chịu đựng của thị trường. "Sự mất lòng tin ngày càng tăng và tình trạng tồi tệ vài ngày qua cho thấy Credit Suisse không thể tiếp tục tồn tại dưới hình thức như hiện nay", Lehmann nói.

Chủ tịch UBS Colm Kelleher thì cho biết sẽ thu hẹp mảng ngân hàng đầu tư của Credit Suisse và điều chỉnh cho phù hợp với "văn hóa rủi ro thận trọng" của UBS. Theo ông, thỏa thuận này sẽ hỗ trợ sự ổn định tài chính ở Thụy Sỹ và tạo ra giá trị bền vững cho các cổ đông của UBS.

Chủ tịch Kelleher khẳng định UBS sẽ vẫn vững chắc và mảng kinh doanh tại Thụy Sỹ của Credit Suisse là một tài sản tốt mà UBS quyết tâm giữ lại. Ông cũng cho rằng còn quá sớm để ước tính số lượng việc làm sẽ bị cắt giảm tại Credit Suisse.

Credit Suisse là cái tên gây sự chú ý của thị trường tài chính toàn cầu tuần qua, sau vụ sụp đổ của hai ngân hàng nhỏ hơn tại Mỹ. Nhà đầu tư liên tục bán tháo khiến cổ phiếu của nhà băng này giảm xuống mức đáy. Việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ bơm tiền cho nhà băng này chỉ chặn lại đà giảm trong thời gian ngắn.

UBS chịu áp lực từ chính quyền nước này trong việc tiếp quản Credit Suisse để kiểm soát cuộc khủng hoảng. Nếu không thể sáp nhập với UBS, Credit Suisse có thể bị quốc hữu hóa.

 

Credit Suisse thành lập năm 1856 và là ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ, sau UBS. Ngân hàng này có tổng tài sản là 574 tỷ USD tính tới cuối năm 2022, quản lý khối tài sản trị với danh mục đầu tư trị giá 1.700 tỷ USD. Con số này là lý do Ủy ban ổn định tài chính quốc tế xếp Credit Suisse là một trong 30 ngân hàng toàn cầu có vai trò quan trọng về mặt hệ thống.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhà băng này liên tiếp chịu nhiều đòn giáng, từ thua lỗ đầu tư, vướng vào nhiều scandal kiện tụng, cắt giảm hàng loạt nhân sự đến thay đổi lãnh đạo. Năm ngoái, họ lỗ ròng gần 7,3 tỷ franc Thụy Sỹ (7,9 tỷ USD) - lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.

Quý cuối năm ngoái, các khách hàng đã rút ra hơn 100 tỷ USD do lo ngại sức khỏe tài chính của Credit Suisse. Việc rút vốn vẫn tiếp tục dù họ đã huy động được thêm 4 tỷ franc từ các cổ đông.

Kết quả này khiến cổ phiếu của nhà băng này bị bán tháo. Đầu năm 2020, quy mô vốn hóa của Credit Suisse đạt hơn 30 tỷ USD, có lúc còn vượt qua UBS. Tuy nhiên, đến đầu năm nay, con số này giảm về dưới 10 tỷ USD và chỉ còn 8 tỷ USD tính tới cuối tuần trước.