Cục Hàng không Việt Nam lấy ý kiến quy hoạch sân bay thứ hai tại Hà Nội và sân bay Cao Bằng
Cục Hàng không Việt Nam đưa sân bay thứ hai tại Hà Nội và sân bay Cao Bằng vào dự thảo quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Ngày 13/12, VnExpress cho hay, đại diện Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn tất dự thảo và đưa ra lấy ý kiến Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Dự thảo lần này có đề cập đến dự án hai cảng hàng không mới là sân bay thứ hai của Hà Nội và sân bay Cao Bằng. Hai sân bay này chưa được xây dựng giai đoạn 2020-2030 mà thực hiện giai đoạn định hướng đến 2050.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam chưa xác định vị trí của sân bay thứ hai ở Hà Nội, chỉ nêu nghiên cứu vị trí sau năm 2040 do có nhiều yếu tố ảnh hưởng vị trí sân bay trong tầm nhìn 30 năm.
Trước đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đề xuất đặt sân bay thứ hai của thủ đô tại huyện Ứng Hòa. Sở này cho rằng phương án bố trí sân bay thứ 2 tại khu vực phía Nam Hà Nội có nhiều ưu điểm.
Cụ thể, khoảng cách và thời gian tiếp cận tới trung tâm Hà Nội hợp lý, cách trung tâm Hà Nội khoảng 35-40 km; có khả năng kết nối giao thông thuận lợi, tiếp cận đồng thời với cả 3 loại hình giao thông là đường bộ, đường thủy và đường sắt; thuận lợi về giải phóng mặt bằng, quỹ đất phát triển (có khả năng bố trí được sân bay với quy mô diện tích khoảng 1.300 ha) và có điều kiện phát triển các khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, vận tải đa phương thức, hệ thống kho bãi, logistics; tạo động lực phát triển mới cho thủ đô Hà Nội.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang được Bộ GTVT triển khai theo nhiệm vụ được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 336) có yêu cầu đánh giá việc phát triển mở rộng các cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không hiện hữu lớn như Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Long Thành... để có định hướng dự trữ đất đai phục vụ phát triển (thêm đường cất hạ cánh, công trình dịch vụ) hoặc nghiên cứu bổ sung cảng hàng không, sân bay mới.
Trong dự thảo của Cục Hàng không Việt Nam, tới năm 2030 Việt Nam sẽ có 26 sân bay, thay vì 28 như quy hoạch hiện nay, hai sân bay Nà Sản và Lai Châu đã có trong quy hoạch hiện nay sẽ được lùi sau năm 2030.
Dự thảo không có sân bay Hà Tĩnh, Thành Sơn như đề xuất của tỉnh Hà Tĩnh và Ninh Thuận trước đó. Dự thảo quy hoạch cảng hàng không, sân bay của Cục Hàng không cũng đưa ra kế hoạch nâng cấp, mở rộng một số sân bay hiện hữu.
Theo đó, mở rộng sân bay Nội Bài với 3 đường băng vào năm 2030, 4 đường băng vào năm 2050, xây thêm 3 nhà ga mới, để nâng công suất lên 100 triệu khách vào năm 2050. Sân bay Long Thành được xây dựng hoàn thiện giai đoạn 1 vào năm 2025, và tiếp tục phát triển lên 4 đường băng, thêm nhà ga... để đạt công suất 120 triệu khách vào năm 2050.
Sân bay Đà Nẵng mở rộng lên 3 đường băng, mở rộng nhà ga để đạt công suất 40 triệu hành khách/năm vào năm 2050. Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) sẽ được mở rộng lên 2 đường băng, công suất đạt 10 triệu khách/năm vào năm 2050.
Quy hoạch cũng ước tính tổng mức đầu tư thực hiện các dự án giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 365.100 tỷ đồng; giai đoạn 2030 - 2050 khoảng 866.360 tỷ đồng.
Hiện nay cả nước có 22 sân bay nội địa và quốc tế. Theo quy hoạch phát triển sân bay tới năm 2020, định hướng 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2018, tới năm 2030 sẽ có 28 sân bay. Ngoài các sân bay hiện có, sẽ đầu tư thêm các sân bay như Long Thành (Đồng Nai), Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sapa (Lào Cai), Quảng Trị, Phan Thiết.
Hà Ly