Đại biểu Quốc hội: Cần có cam kết để đưa dự án sân bay Long Thành hoàn thành đúng tiến độ

Đông Bắc 11:10 | 09/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phát biểu thảo luận về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều đại biểu băn khoăn liệu dự án có bị chậm, bị chậm trong bao lâu và ngoài việc điều chỉnh thời gian lần này thì còn có thể sẽ phải trình nội dung nào khác không?

  

Sáng nay (9/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, công tác giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành còn nhiều hạn chế, như: giải phóng mặt bằng đến nay chưa xong; tiến độ đầu tư kéo dài; giải ngân vốn đầu tư chậm… Từ những hạn chế trên nên, đại biểu cho rằng, một số chỉ tiêu cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và để hoàn thành dự án đảm bảo chất lượng. Cụ thể, cần giảm tổng mức đầu tư, giảm diện tích đất thu hồi, bổ sung tái định cự một số hộ dân do phát sinh vào khu dân cư, tái định cư Lộc An- Bình Sơn…

Đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh này là cần thiết bởi thời hạn giải phóng mặt bằng đã hết nhưng công tác này còn chưa thực hiện xong, thời gian thực hiện vốn đầu tư và giải ngân đã hết trong khi nhiều dự án thành phần đang dở dang chưa hoàn thành.

Đánh giá hồ sơ trình của Chính phủ đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, đại biểu cho biết, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu dân cư Bình Sơn và đất khu nghĩa trang đã hoàn thành bằng vốn ngân sách nhà nước, nay không có nhu cầu sử dụng vào mục đích của dự án. Đại biểu đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo Quốc hội cho chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng phần diện tích đã thu hồi vào mục đích khác, nhằm tránh gây khiếu kiện vì đất không sử dụng đúng mục đích.

 

  Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh Quochoi.vn.

Cũng tham gia phát biểu, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đồng tình với đề nghị của Chính phủ và ý kiến thẩm tra về việc cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn. Đại biểu cho rằng đây là cơ sở pháp lý để có thể tiếp tục triển khai hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như là triển khai công tác giải ngân các dự án. Việc xem xét điều chỉnh này đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6 là phương án này là hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ với Chính phủ cũng như tỉnh Đồng Nai vì dự án sân bay Long Thành là một công trình trọng điểm quốc gia có vai trò vô cùng quan trọng, kết nối các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung Đồng Nai nói riêng với các trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước, đồng thời kết nối với quốc tế.

Đại biểu ghi nhận trong thời gian triển khai thực hiện dự án,  tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có cả việc tạm ứng ngân sách địa phương để tiếp tục chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư để hoàn thành công tác thu hồi đất cho dự án và bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn một. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn và là một giải pháp rất là hợp lý của tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ và ý kiến một số đại biểu đã phát biểu trước vẫn còn một số băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ trên thực tế thì tiến độ dự án sân bay Long Thành đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn. Lý do nêu là khi triển khai dự án rơi vào thời điểm xảy ra đại dịch COVID - 19, đại biểu cho rằng đây không phải lý do chính. Bởi vì quyết tâm của tỉnh Đồng Nai và Chính phủ khi trình Quốc hội khóa XIV là sẽ bàn giao mặt bằng vào năm 2020, tức là trước năm 2021. COVID-19 diễn ra tại Đồng Nai là vào giữa năm 2021. Như vậy, đây không phải là lý do chính. Đại biểu cho rằng còn có nhiều nguyên nhân và Chính phủ cũng như tỉnh cần phải có những phân tích để có thêm những bài học kinh nghiệm và sau này khi chúng ta triển khai những dự án tương tự thì chúng ta sẽ có những giải pháp phù hợp.

Về yêu cầu việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021 là nội dung được quy định trong Nghị quyết 53/2017/QH14. Tuy nhiên, theo đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp này là từ hết năm 2021 cho đến hết năm 2024, tức là dự kiến sẽ chậm tới 3 năm. Đại biểu Nguyễn Thi Mai Hoa đặt vấn đề việc điều chỉnh thời gian của dự án thành phần này đã và sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành dự kiến là sẽ xong vào năm 2025. Đại biểu cho rằng cần phải có một sự cam kết thật rõ từ phía Chính phủ. Đại biểu cũng đặt câu hỏi liệu dự án có bị chậm, bị chậm trong bao lâu và ngoài việc điều chỉnh thời gian lần này thì còn có thể sẽ phải trình nội dung nào khác không?

Về đề xuất kéo dài thời hạn giải ngân đối với nguồn vốn, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đặt vấn đề nội dung này có đủ điều kiện để có thể xem xét kéo dài ngân sách vốn đã giao từ năm 2021 sang năm 2024 có phù hợp với Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước không? Điều này Chính phủ cần làm rõ cho Quốc hội.

Nêu rõ dự án sân bay Long Thành là một dự án rất là lớn và vắt qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội. Quốc hội khóa XIII đã thông qua chủ trương đầu tư. Quốc hội khóa XIV thì ban hành Nghị quyết 53/2017/QH14 đồng ý cho tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Lần này Quốc hội khóa XV xem xét chấp thuận sẽ đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 cho phép lùi thời hạn giải ngân dự án thành phần. Điều này là một sự cố gắng, nỗ lực và sự đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ để thực hiện một dự án lớn và hy vọng là tiến độ hoàn thành giai đoạn một vào năm 2025 sẽ được bảo đảm và không có thêm một lần trình lùi hoãn thời gian nào nữa, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ.

Tham gia ý kiến về tiến độ Cảng hàng không Long Thành, Đại biểu Bùi Xuân Thống - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nêu rõ, tại khoản 1, khoản 3, Điều 1 Nghị quyết số 53 đã quy định việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021, tính tới thời điểm hiện tại, dự án đã trễ hạn gần hai năm.

Tuy nhiên, qua giám sát tại tỉnh, đại biểu thấy rằng, cấp ủy, UBND tỉnh ủy các cấp của tỉnh đã có sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai các nội dung rất lớn của dự án này. Cụ thể, ngày 25/9/2017, Tỉnh ủy Đồng Nai đã có Chỉ thị số 55 tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai thự hiện chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành để tập trung chỉ đạo triển khai các công việc với tinh thần “cả nước vì Đồng Nai, Đồng Nai vì cả nước” trong triển khai thực hiện các dự án, không có vùng cấm trong việc xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện dự án.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện biệt phái 113 lượt cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh để tăng cường cho UBND huyện Long Thành thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường của dự án. Đến nay, tiến độ của dự án đạt gần 98,7%.

Vì vậy, đại biểu Bùi Xuân Thống cho rằng, việc thu hồi phần diện tích còn lại không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giai đoạn 1 của dự án và chủ yếu việc xin kéo dài thời gian dự án là để hoàn thành các cấu phần xây dựng.

Đại biểu Bùi Xuân Thống cũng chỉ rõ có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ, kéo dài dự án. Đối với tác động của giai đoạn 1 của dự án, đại biểu khẳng định, hiện nay phần giai đoạn 1 gồm 2500 ha đã được UBND tỉnh bàn giao cho ACV để triển khai chứ không nên vì kéo dài dự án đến 2024 thì không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của giai đoạn 1. Và việc kéo dài này chỉ chủ yếu để hoàn thành các cầu phần xây dựng.

 Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tranh luận. Ảnh Quochoi.vn.

Phát biểu tranh luận với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga và đại biểu Nguyễn Trường Giang, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, cử tri và nhân dân Đồng Nai mong mỏi dự án này được hoàn thành sớm từng ngày.

Về ý kiến cho rằng phần chuyển vốn chưa hợp lý, đại biểu cho rằng, theo quy định tại Điều 68 Luật Đầu tư công, những nội dung này không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, không quy định việc chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn sau, nên nếu quyết định chuyển phải qua thẩm quyền của Quốc hội, đặc biệt, hiện nay chúng ta đang còn khoản kết dư trong ngân sách Đồng Nai, nếu cho chuyển thì Đồng Nai có thể sử dụng được ngay mà không làm tăng dự toán của năm 2024.

Về trách nhiệm, đại biểu cho biết, đây là dự án lớn, cả nước đang dõi theo, nên cần làm hết trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ. Trong thời gian qua, có những cán bộ vi phạm đã bị xử lý. Về nguyên nhân khách quan, đại biểu khẳng định dịch bệnh COVID-19 thực sự có ảnh hưởng nặng nề đến tiến độ triển khai dự án.

Phát biểu tranh luận với ý kiến của đại biểu Trịnh Xuân An, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cho biết, qua theo dõi nội dung thảo luận, đa phần các ý kiến đều thống nhất cần bố trí đủ vốn để dự án này hoàn thành trong năm 2024, vấn đề khác nhau chỉ là yếu tố kỹ thuật. Dự toán ngân sách năm 2021 đã được Quốc hội bấm nút quyết toán. Dự toán từ năm 2021 trở về trước đã bị hủy, Quốc hội chỉ có thể kéo dài nguồn vốn của năm 2022 chưa quyết toán trở về sau.

Đại biểu đề nghị bổ sung bố trí vào dự toán ngân sách năm 2024 để đảm bảo đủ vốn cho dự án này, đồng thời tăng bội chi tương ứng để đảm bảo giải quyết đúng quy định, tạo thuận lợi cho dự án hoàn thành.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, dự án này không thể dừng lại được. Trước đây, Quốc hội khóa 13 đã ban hành chủ trường đầu tư dự án này. Nghị quyết số 26 năm 2016 của Quốc hội khóa 14 chủ trương cho phép tách dự án giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng để giải quyết.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, Nghị quyết 26 quy định cho chủ trương nhưng yêu cầu phải báo cáo nghiên cứu khả thi trình Quốc hội. Sau đó, Quốc hội phê duyệt Nghị quyết 53, Báo cáo nghiên cứu khả thi quy định thời gian giải phóng mặt bằng đến năm 2021 phải hoàn thành. Do đó, đòi hỏi Quốc hội phải xem xét kỹ càng hơn. Và Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi nên dẫn đến tình trạng “sửa một chút cũng phải trình Quốc hội”. Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025, Dự án này lại thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị nghiên cứu phương án: Quốc hội cho chủ trương kéo dài dự án này đến năm 2025 để trùng với kế hoạch đầu tư công trung hạn. Các vấn đề còn lại thì do Chính phủ quyết định.

   Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. Ảnh Quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ GTVT: Quyết liệt đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngay sau phiên thảo luận tại Tổ, cơ quan soạn thảo đã có Báo cáo tiếp thu, giải trình đối với các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, nguyên nhân tăng, giảm tổng mức đầu tư của dự án đã được UBND tỉnh Đồng Nai trình bày chi tiết trong Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh đã được Hội đồng thẩm định nhà nước và các bộ, ngành liên quan kiểm tra, rà soát bảo đảm đầy đủ cơ sở chính xác và trung thực theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai... UBND tỉnh Đồng Nai là chủ đầu tư chịu trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện.

Về nguyên nhân dự án chậm tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng cho biết, ngoài các nguyên nhân khách quan như cơ quan chủ trì trình, Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ nguyên nhân chủ quan là do nhân sự chủ chốt của UBND tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án có nhiều thay đổi, thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu xây dựng…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua các góp ý của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan để từ đó rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.

Về giải pháp triển khai, xử lý dứt điểm các nội dung còn tồn tại sau khi được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, Bộ trường Thắng cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để khẩn trương có các giải pháp xử lý dứt điểm. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư lập tiến độ thi công tổng thể, chi tiết, theo dõi, đôn đốc kịp thời, và có các biện pháp tăng cường. Nếu bị chậm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ theo dõi sát sao, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo theo các nội dung Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, góp phần để dự án triển khai đúng tiến độ.