Đại dịch làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo

Lê Thị Xuân Phương 15:44 | 23/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thống kê do Oxfam công bố, thế giới có thêm một tỷ phú mới và gần một triệu người có thể rơi vào cảnh nghèo cùng cực mỗi ngày vì COVID-19.

Trong một bản tóm tắt được công bố ngày 22/5, tổ chức từ thiện toàn cầu Oxfam cho biết từ năm 2020 đến 3/2022 thế giới có thêm 573. Nâng tổng số tỷ phú toàn cầu lên 2.668 người. Điều này đồng nghĩa, cứ mỗi 30 giờ, thế giới lại có thêm một tỷ phú. 

Tổ chức này cũng ước tính có 263 triệu người có thể bị đẩy vào mức nghèo cùng cực vào năm 2022 vì đại dịch. Bất bình đẳng toàn cầu ngày càng gia tăng và giá lương thực cao do chiến tranh ở Ukraine. Theo Oxfam, con số này tương đương với gần một triệu người bị đẩy vào đói nghèo mỗi 33 giờ.

Các số liệu được Oxfam công bố trước thềm khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ. Tổ chức này chỉ ra các tỷ phú có tổng tài sản trị giá 12.700 tỷ USD tính đến tháng 3/2022.  Năm 2021, khối tài sản của các tỷ phú tương đương 14% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.

Bà Gabriela Bucher, Giám đốc điều hành Oxfam International, nói: “Đại dịch và sự tăng mạnh giá thực phẩm, năng lượng là một món hời cho các tỷ phú”. Điều này khiến nỗ lực cải thiện tình trạng nghèo hàng chục năm đang bị đảo ngược và hàng triệu người đang phải đối mặt với những xu hướng không mong muốn này để duy trì cuộc sống. 

Theo lĩnh vực kinh doanh cụ thể, Oxfam cho biết tài sản của các tỷ phú ngành thực phẩm và năng lượng đã tăng 453 tỷ USD trong hai năm qua, tương đương với 1 tỷ USD cứ sau hai ngày.

Tập đoàn thực phẩm khổng lồ Cargill là một trong bốn công ty kiểm soát hơn 70% thị trường nông sản toàn cầu. Công ty thuộc sở hữu của gia đình Cargill, đã tạo ra thu nhập ròng gần 5 tỷ USD vào năm ngoái. Đây là khoản lợi nhuận lớn nhất trong lịch sử của tập đoàn. Hiện chỉ riêng trong gia đình Cargill có đến 12 tỷ phú, con số này trước đại dịch chỉ là 8.

Trong khi đó, ở lĩnh vực dược phẩm, đại dịch đã tạo ra 40 tỷ phú mới. Ngành này hưởng lợi từ việc độc quyền về vắc xin, phương pháp điều trị, xét nghiệm và thiết bị bảo vệ cá nhân.

Để kiếm chế tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo, hỗ trợ những người đang gánh chịu chi phí lương thực và năng lượng ngày càng tăng, Oxfam khuyến nghị các chính phủ nên đánh thuế người giàu và áp thuế tạm thời 90% với phần lợi nhuận trên mức trung bình của doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực.

Tổ chức Oxfam đề xuất mức thuế hàng năm 2% đối với các triệu phú và 5% đối với các tỷ phú có thể tạo ra 2,52 nghìn tỷ USD một năm. Khoản này sẽ đủ để đưa 2,3 tỷ người thoát khỏi đói nghèo, tạo đủ vắc xin cho dân số toàn cầu, cũng như cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân và bảo trợ xã hội cho những người sống ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.