'Đại gia' ngành thép Mỹ có thể sẽ đổi chủ
Trong một thông báo, Nippon Steel cho biết tập đoàn này đang tiến hành đánh giá quy định đối với thỏa thuận này và quyết tâm theo đuổi thỏa thuận đó đến cùng.
Trước đó, ngày 14/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng US Steel nên thuộc sở hữu trong nước trong bối cảnh Nippon Steel gần đây công bố thỏa thuận mua lại công ty này.
Tuyên bố nêu rõ Tổng thống Biden bày tỏ sự ủng hộ đối với công nhân ngành thép của Mỹ, nhấn mạnh rằng nước Mỹ phải duy trì các công ty thép hùng mạnh do các công nhân thép xây dựng và phát triển. US Steel là một công ty thép mang tính biểu tượng của Mỹ trong hơn một thế kỷ và điều quan trọng là US Steel vẫn được sở hữu và điều hành trong nước.
Chính phủ Mỹ cho rằng kế hoạch của Nippon Steel cần được xem xét kỹ lưỡng về tác động tiềm tàng đối với an ninh quốc gia. Ủy ban về đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra và xác định xem liệu một số giao dịch đầu tư nước ngoài nhất định tại các công ty Mỹ có gây ra rủi ro đối với an ninh quốc gia hay không.
Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, cũng từng tuyên bố sẽ “chặn” kế hoạch mà Nippon Steel công bố hồi tháng 12/2023. Theo thỏa thuận trị giá 14,1 tỷ USD, Nippon Steel và US Steel tin rằng việc sáp nhập sẽ tạo ra nhà sản xuất thép lớn thứ ba thế giới về số lượng và mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Nhà sản xuất thép Nhật Bản cho biết công nghệ sản xuất tiên tiến của họ sẽ cải thiện hoạt động của công ty Mỹ, đồng thời cam kết sẽ không thay đổi tên và thương hiệu của US Steel và cũng không có việc làm nào bị mất do việc mua lại. Nippon Steel cũng cho biết sẽ giữ lại trụ sở chính và cơ sở sản xuất của US Steel ở thành phố Pittsburgh, cho phép tiếp tục sản xuất các sản phẩm tại Mỹ.
Trong những năm qua, số lượng việc làm trong ngành sản xuất thép của Mỹ đã giảm đáng kể, từ hơn 180.000 lao động trong năm 1987-1991, xuống còn 87.100 người vào năm 2010 và 83.200 người vào năm 2022. Tuy nhiên, vấn đề này không thể đổ lỗi cho luồng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vì sản xuất và tiêu thụ thép của Mỹ vẫn tăng lên trong giai đoạn này.
Trên thực tế, số việc làm trong ngành sản xuất thép của Mỹ giảm phần lớn là kết quả của việc tăng năng suất nhờ vào công nghệ. Hiện tại, người lao động Mỹ chỉ cần 1,5 giờ công để sản xuất một tấn thép, thấp hơn đáng kể so với con số 10,1 giờ công vào những năm của thập niên 80. Giữ việc làm ổn định trong bối cảnh năng suất được cải thiện lớn như vậy sẽ buộc lượng tiêu thụ thép phải tăng hơn gấp đôi.
Một cải tiến quan trọng – mà Nippon Steel đã áp dụng – là lò hồ quang điện, sử dụng phế liệu thép làm nguyên liệu thô và điện làm nhiên liệu. Lò này có thể tắt khi không cần thiết và yêu cầu số lượng lao động hạn chế. Trong khi đó, US Steel vẫn phụ thuộc nhiều vào các lò cao trong quá trình luyện thép với công nghệ cũ hơn, tốn nhiều công sức hơn, sử dụng quặng sắt và than.
Kết quả là chi phí của US Steel đặc biệt cao, thậm chí cao hơn cả chi phí của các nhà sản xuất khác tại Mỹ. Khi thương vụ mua lại được công bố, US Steel gần như đã bị mất phần lớn thị phần trong nước và toàn cầu, liên tục từ những năm 1970.
Công ty đã tụt từ vị trí nhà sản xuất thép lớn thứ 8 thế giới xuống thứ 27 vào năm 2022 và là một trong số các công ty thép lớn của Mỹ có lợi nhuận thấp nhất.