Thị trường khó, loạt doanh nghiệp phân bón đặt mục tiêu thận trọng cho năm 2023
Lãi kỷ lục trong năm 2022, thận trọng cho năm 2023
Trong thông báo các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh chính năm 2023, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau, mã: DCM) đặt kế hoạch khá thận trọng trong với tổng doanh thu 13.459 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 1.461 tỷ đồng và 1.383 tỷ đồng.
So với mức doanh thu 15.924 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) “kỷ lục” 4.321 tỷ đồng của năm 2022, kế hoạch này thấp hơn lần lượt 15,5% và 68%.
Tuy nhiên, trong trường hợp kết quả kinh doanh khởi sắc và triển vọng thị trường lạc quan hơn, doanh nghiệp này có thể sẽ điều chỉnh kết quả như trong 2 năm gần đây.
Cụ thể, vào đầu năm 2021, DCM đặt mục tiêu đạt doanh thu 7.839 tỷ đồng và LNST 197 tỷ đồng, tuy nhiên, chỉ trong 2 quý đầu năm, doanh nghiệp này đã thu về lãi ròng 431 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần kế hoạch. Do đó, đến cuối năm, DCM đã điều chỉnh chỉ tiêu doanh thu tăng 17% lên 9.168 tỷ đồng và LNST tăng 4,4 lần lên 868 tỷ đồng. Kết thúc năm 2021, doanh nghiệp phân bón thu về 9.870 tỷ đồng doanh thu và 1.826 tỷ đồng LNST, vượt 7,6% kế hoạch doanh thu và 110% mục tiêu lợi nhuận mới.
Kinh doanh vượt kỳ vọng trong năm 2021, DCM tiếp tục đặt kế hoạch thận trọng cho năm 2022 với tổng doanh thu là 9.060 tỷ đồng và LNST 513 tỷ đồng. Song đến cuối năm, doanh nghiệp đã điều chỉnh mục tiêu doanh thu lên 14.525 tỷ đồng và LNST lên 3.661 tỷ đồng, gấp 1,6 lần và 7 lần kế hoạch cũ, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể kết quả đạt được.
Tương tự DCM, một doanh nghiệp cùng ngành là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã: DPM) cũng công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 thận trọng với tổng doanh thu 17.372 tỷ đồng, giảm 13% so với mức kỷ lục năm 2022 và LNST 2.250 tỷ, giảm 60% so với kết quả đạt được năm ngoái.
Trong lịch sử hoạt động, Đạm Phú Mỹ cũng nhiều lần đặt ra các chỉ tiêu kinh doanh thận trọng từ đầu năm, sau đó điều chỉnh vào giữa năm hoặc cuối năm.
Trong năm 2021, doanh nghiệp này điều chỉnh kế hoạch doanh thu lên 12.000 tỷ đồng, tăng 44% so với kế hoạch ban đầu và LNST tăng từ 365 tỷ đồng lên 1.890 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần. Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021, Đạm Phú Mỹ thu về 12.786 tỷ đồng doanh thu và 3.171 tỷ LNST, đều vượt mục tiêu đặt ra.
Gần nhất, năm 2022, sau đại hội đồng cổ đông thường niên, Đạm Phú Mỹ đã điều chỉnh mục tiêu doanh thu năm 2022 từ 11.000 tỷ đồng lên 17.239 tỷ đồng, LNST gấp gần 4 lần kế hoạch cũ lên 3.473 tỷ đồng.
Tại CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã: DGC), dù kết quả kinh doanh 2022 đầy khởi sắc với doanh thu thuần và LNST lần lượt đạt hơn 14.400 tỷ đồng, tăng 51% và 6.040 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ, vượt lần lượt 19% và 72% kế hoạch năm, thế nhưng với dự đoán giá bán bình quân các sản phẩm chủ lực sẽ tiếp tục giảm, DGC đã đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 thận trọng với doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 10.900 tỷ đồng, giảm 25% và 3.000 tỷ đồng, giảm một nửa so với kết quả năm 2022.
Ngoài các “ông lớn” trong ngành, doanh nghiệp phân bón vừa và nhỏ cũng tỏ ra khá thận trọng cho những diễn biến thị trường khó lường trong năm 2023.
Gần đây, CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (mã: PCE) dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận ngược chiều nhau.
Doanh nghiệp cho biết thị trường phân bón Việt Nam và khu vực miền Trung Tây Nguyên sẽ điều chỉnh, tuy nhiên việc sụt giảm nguồn cung trong nước do Nhà máy Đạm Phú Mỹ có kế hoạch tiến hành bảo dưỡng lớn và nguồn hàng nhập khẩu hạn chế khi nguồn cung thế giới thiếu hụt, giá cao sẽ hỗ trợ thị trường thiết lập mặt bằng giá mới.
Giá phân bón tuy giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu trong kinh doanh các sản phẩm phân bón thấp so với các năm, các đại lý/cửa hàng không mạnh dạn đầu tư, xu hướng kinh doanh mua bán cầm chừng và hạn chế đầu tư hoặc đầu tư có chọn lọc.
Từ những dự báo trên, PCE đặt mục tiêu năm 2023 tiêu thụ 331.000 tấn sản phẩm, đem về gần 4.658 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 33% so với năm 2022 nhưng lãi trước thuế giảm 21%, còn hơn 30 tỷ đồng.
Có thể thấy, việc các doanh nghiệp thận trọng trong đặt kế hoạch năm 2023 không phải là không có cơ sở khi môi trường kinh doanh dự báo trở nên thách thức hơn, bối cảnh vĩ mô còn khó lường, đặc biệt là áp lực lạm phát cao khiến đơn hàng sụt giảm…
Dự báo doanh nghiệp phân bón đối diện thách thức giá nguyên liệu tăng, giá bán cùng nhu cầu giảm
Trong báo cáo triển vọng ngành phân bón cuối năm 2022, CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho rằng các doanh nghiệp phân bón có thể đối mặt với áp lực tăng trưởng âm trong năm 2023 do nguồn cung dư thừa, giá ure giảm nhanh hơn nguyên liệu.
Ngoài ra, nhóm phân tích cho rằng nhu cầu ure có thể suy yếu trong năm 2023 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông nghiệp. Quý IV hàng năm thường được coi là mùa cao điểm. Tuy nhiên, giá ure không tăng trong quý IV/2022 đã phản ánh nhu cầu suy yếu và nhu cầu có thể tiếp tục giảm đi vào năm 2023. (Ure là một trong những mặt hàng kinh doanh chính của các doanh nghiệp phân bón).
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo tăng trưởng của các doanh nghiệp phân bón năm 2023 có thể giảm 45% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá bán có xu hướng giảm mạnh khi nguồn cung tăng trở lại từ Nga và Trung Quốc, bên cạnh đó, chi phí sản xuất có xu hướng hạ nhiệt cũng tác động làm giảm giá bán.
Nhìn rộng hơn, trong một báo cáo đầu năm 2023, nhóm phân tích của FiinGroup đưa ra nhận định với bối cảnh vĩ mô không thuận lợi, triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết năm 2023 sẽ có khả năng kém tích cực.
Nhóm phân tích cũng chỉ ra ba yếu tố khiến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết suy giảm gồm chi phí vốn tăng cao, cầu tiêu dùng trong nước và thế giới suy giảm do môi trường lãi suất cao, và nghẽn “dòng tiền” trong nền kinh tế.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh giảm mạnh trong năm 2023 cũng có thể là các doanh nghiệp đã đi qua đỉnh lợi nhuận, dù kết quả tăng trưởng đột biến trong cả năm 2022 nhưng bắt đầu sụt giảm mạnh vào quý IV.