Đâu là điều lo lắng nhất của nhà đầu tư chứng khoán?

Thu Thảo 14:16 | 16/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong một tháng trở lại đây, nhà đầu tư thường nói về câu chuyện Fed sẽ tăng lãi suất nhanh hơn để kiềm chế lạm phát. Theo quan sát của chuyên gia, mỗi lần tăng lãi suất của Fed đều là những lần thị trường hồi phục và tăng trở lại. Qua những sự kiện đó ông cho rằng thị trường hay nhà đầu tư hiện nay lo ngại về lạm phát nhiều hơn là lo ngại về lãi suất.

Nhận định về diễn biến thị trường phiên sáng nay, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (Mã: CSI) cho biết thị trường đang xanh cả vỏ và lòng, dòng tiền có sự lan tỏa khá đồng đều từ các cổ phiếu lớn, nhỏ.

Đặc biệt các dòng dịch vụ tiện ích, dầu khí, bán lẻ, hóa chất đang là các nhóm thu hút sự chú ý mạnh mẽ nhất của dòng tiền. Đây cũng là các ngành được dự báo có kết quả kinh doanh quý II khả quan. Có lẽ đây cũng là một trong các phiên dòng tiền thể hiện sự thông minh của mình bằng cách chọn những cổ phiếu mạnh, có kết quả kinh doanh tích cực để mua trong phiên hồi phục có tính bước ngoặt như hôm nay.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) trong chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital. (Ảnh chụp màn hình).

 

Về câu chuyện thanh khoản ở mức thấp, ông Ngọc cho rằng thanh khoản thị trường trong các phiên đáo hạn phái sinh thường có dấu hiệu suy giảm so với phiên trước đó.

Điều này xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những biến động của ngày đáo hạn. Mặt khác sau một tuần "sóng gió", sự hồi phục của phiên nay vẫn mang yếu tố nghi ngờ thì giá trị giao dịch thấp hơn cũng là điều dễ hiểu.

Hôm qua thị trường chứng khoán trong nước rất khó khăn, sau khi Fed họp và công bố lãi suất thì thị trường gần như gỡ bỏ được sự lo ngại về mặt tâm lý và hôm nay thể hiện được trạng thái giao dịch lạc quan hơn.

Trong một tháng trở lại đây, chúng ta thường nói về câu chuyện Fed sẽ tăng lãi suất nhanh hơn để kiềm chế lạm phát. Theo quan sát của ông Ngọc, mỗi lần tăng lãi suất của Fed đều là những lần thị trường hồi phục và tăng trở lại. Qua những sự kiện đó ông cho rằng thị trường hay nhà đầu tư hiện nay lo ngại về lạm phát nhiều hơn là lo ngại về lãi suất.

Vì việc tăng lãi suất luôn được Fed đưa ra và thông báo tới đại chúng và có một lộ trình rất rõ ràng. Còn đối với lạm phát, đây là phần mà thị trường khó dự báo nhất. Thời gian qua chính bởi yếu tố lạm phát tháng 5 cao hơn bất ngờ so với dự báo trước đó và đó là lý do khiến thị trường giảm mạnh trong 2 tuần trở lại đây.

Hiện tại việc Fed tăng lãi suất thêm thêm 0,75%, đánh dấu mức tăng lãi suất mạnh nhất trong gần 30 năm vẫn nằm trong lộ trình của họ và có phần nhanh hơn, bởi việc nhanh hơn này để đối phó với lạm phát cao hơn bất ngờ so với dự báo trước đó.

"Với lộ trình quyết tâm như vậy thì tôi cho rằng thị trường đã dự phóng được điều này. Rất nhiều tổ chức lớn trên thế giới đã dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% ít nhất là 1 – 2 lần", ông Ngọc cho hay.

Mặc dù vậy thì chủ tịch Federome Powell cũng nói rằng ông không mong muốn điều này xảy ra. Tuy nhiên, nếu tình hình vẫn còn phức tạp thì chúng tôi bắt buộc phải làm như vậy. Trên thực tế, nếu lạm phát có tín hiệu thuyên giảm thì chưa chắc đã phải tăng lãi suất thêm 0,75% một lần nữa.

Theo Phó Tổng Giám đốc CSI, với lộ trình lãi suất như vậy, thị trường sẽ không quá rủi ro, tuy nhiên yếu tố lạm phát bất ngờ và yếu tố chúng ta đang khó kiềm chế là lạm phát. Nếu chỉ dùng chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát thì có thể nó không phải một công cụ mà đủ sức nặng.

Tôi cho rằng cần những biện pháp quyết liệt hơn để đảm bảo nguồn cung, không để tình trạng thiếu hụt nguồn cung quá lớn như hiện nay thì đó là yếu tố để rất khó để dự báo.

Thông tin mới đây cũng cho thấy, Mỹ đâu đó cũng tăng công suất của các nhà máy dầu để bù đắp những sản lượng thiếu hụt từ Nga đã khiến cho giá dầu ngày hôm qua giảm về dưới 120 USD/thùng.

Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng gia hạn một số lệnh miễn trừ cấm vận với Nga tới hết năm nay. Ông Ngọc cho rằng đây có thể là động thái xuống nước của Mỹ, nhằm hạ nhiệt giá dầu, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên để kiềm chế lạm phát trong dài hạn thì chuyên gia cho rằng chúng ta cần những biện pháp quyết liệt hơn chứ không chỉ dừng lại ở đây.