NĐT kỳ cựu phố Wall dự báo FED mắc kẹt ở vòng xoáy tăng lãi suất, kinh tế Mỹ hướng thẳng tới suy thoái

Diên Vỹ 12:48 | 16/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhà đầu tư kỳ cựu của phố Wall Michael Novogratz đã dự báo trên tờ MarketWatch rằng nền kinh tế Mỹ đang tiến thẳng tới một cuộc suy thoái đáng quan ngại. Và đây không phải là lo lắng của riêng ông Novogratz.

“Nền kinh tế sẽ sụp đổ… Những đợt sa thải lao động đang nhen nhóm ở nhiều ngành, còn FED thì mắc kẹt ở vị thế buộc phải tăng lãi suất cho đến chừng nào lạm phát qua đi”, ông Michael Novogratz đưa ra những dự báo tồi tệ trong cuộc phỏng vấn với MarketWatch chỉ ít phút trước khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) tuyên bố nâng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm - lần nâng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994 đến nay - qua đó đưa mặt bằng lãi suất tham chiếu tăng lên mức 1,5-1,75%.

Nhà đầu tư này đã dự báo đúng khả năng ngân hàng trung ương nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm. Đáng chú ý, ông còn dự báo đúng cả việc thị trường sẽ phục hồi ngay sau tin tức này, đồng thời cảnh báo nhà đầu tư sẽ chuyển sang bán tháo ở những phiên tiếp theo.

Cho đến nay, một phần dự báo của ông Michael Novogratz đã đúng, ít nhất là việc FED tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm và thị trường phục hồi sau tin tức này. Chốt phiên 15/6 trên phố Wall, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng hơn 300 điểm, tương đương 1%. S&P 500 tăng 1,46% trong khi Nasdaq Composite thiên về công nghệ cũng tăng 2,5%. Và mối quan ngại của ông về việc nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái do FED tăng lãi suất quá nhanh là hoàn toàn có thể lý giải.

Tất nhiên, không phải ai cũng bi quan như vậy. Nhà kinh tế học Paul Samuelson đã châm biếm rằng thị trường chứng khoán đã dự đoán 9 trong số 5 cuộc suy thoái kinh tế gần đây nhất. Ý ông muốn nói phố Wall thường có xu hướng bi quan quá mức về triển vọng kinh tế.

Nhưng rõ ràng, nhà đầu tư có những cơ sở để tin rằng việc chứng khoán Mỹ rơi vào “thị trường gấu” lần này có thể thực sự là dấu hiệu sớm của suy thoái cận kề. Đà bán tháo liên tục của thị trường chứng khoán hiện đang làm giảm đáng kể tài sản của các nhà đầu tư, điều có thể ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý đầu tư và tiêu dùng.

Để đánh giá tác động của sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán Mỹ hiện tại đến toàn nền kinh tế, cần phải thấy được quy mô thị trường và tính nghiêm trọng của đà bán tháo. Tính đến cuối năm 2021, tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ đã đạt mức kỷ lục 200% GDP nước này, được thúc đẩy bởi thời kỳ chính sách tiền tệ lỏng lẻo chưa từng có kéo dài gần 2 năm của FED.

Nhưng chỉ từ đầu năm 2022 đến nay, trong vòng chưa đầy 6 tháng, chỉ số S&P 500 mất hơn 20% và tiến vào lãnh thổ thị trường gấu từ 13/6. Nasdaq Composite thì đã ở trong thị trường gấu từ lâu và hiện vẫn giảm hơn 30% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 1. Điều này có nghĩa trong gần sáu tháng qua, hơn 9 nghìn tỷ USD vốn hóa trên thị trường chứng khoán đã bốc hơi.

Đáng chú ý, đà bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ không diễn ra một cách cô lập. Sự suy giảm lần này trên phố Wall còn song hành cùng mức giảm lớn trên thị trường trái phiếu và các tài sản khác như tiền điện tử. Tổng cộng tổn thất của tất cả các thị trường, theo một bài đăng trên tờ Barron’s đã thổi bay khoảng 13 nghìn tỷ USD tài sản hộ gia đình, tương đương với khoảng 50% những gì nền kinh tế Mỹ làm ra trong cả năm.

Theo ước tính của FED, với mỗi 1 USD suy giảm của cải, các hộ gia đình có xu hướng cắt giảm chi tiêu khoảng 0,04 USD. Điều này ngụ ý rằng dựa theo tính toán này, mức giảm trên các thị trường trong thời gian qua có thể thúc đẩy mức giảm 2% trong chi tiêu hộ gia đình ở Mỹ.

Với một nền kinh tế mà tăng trưởng GDP phụ thuộc chủ yếu vào chi tiêu tiêu dùng như nước Mỹ, đây là một tín hiệu đáng cảnh báo. Trong khi đó, hộ gia đình còn phải đối diện với lạm phát kỷ lục cao nhất trong 4 thập kỷ và chưa có dấu hiệu cải thiện. Cùng đó, thị trường bất động sản cũng đang chứng kiến những tín hiệu suy yếu khi lãi suất thế chấp tăng đột biến. Đó không gì khác là những tín hiệu sớm cảnh báo một cuộc suy thoái cận kề.

Theo phân tích của ông Desmond Lachman, thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, cựu quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và là chiến lược gia kinh tế trưởng các thị trường mới nổi tại Salomon Smith Barney; có một cách khác mà đà bán tháo trên phố Wall có thể gây ra suy thoái kinh tế là việc gây căng thẳng cho hệ thống tài chính. Điều này tương tự lập luận của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, rằng khi chính sách tiền tệ nới lỏng đã qua đi và làn sóng tiền rẻ tắt lịm dẫn theo thị trường cổ phiếu và trái phiếu lao dốc, có vẻ như chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi xuất hiện những vụ phá sản và nhiều hơn thế.